Giá cà phê hôm nay 5/1: Trong nước giảm tuần thứ ba liên tiếp, thế giới biến động trái chiều
Cập nhật giá cà phê trong nước
Kết thúc tuần qua, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 119.800 – 120.500 đồng/kg, giảm 500 – 600 đồng/kg so với tuần trước.
Trong đó, giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông hiện thu mua ở mức cao nhất là 120.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng giảm 500 đồng/kg trong tuần qua, xuống còn 120.300 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai giảm 600 đồng/kg so với tuần trước và được giao dịch ở mức 120.200 đồng/kg.
Còn tại Lâm Đồng, đây đang là địa phương có giá thấp nhất ở mức 119.800 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với tuần trước.
Như vậy, giá cà phê trong nước đã giảm liên tiếp trong ba tuần trở lại đây với tổng mức giảm vào khoảng 3.700 – 4.800 đồng/kg.
Thị trường |
Trung bình |
Thay đổi so với tuần trước |
Đắk Lắk |
120.300 |
-500 |
Lâm Đồng |
119.800 |
-500 |
Gia Lai |
120.200 |
-600 |
Đắk Nông |
120.500 |
-500 |
Tỷ giá USD/VND |
25.220 |
-318 |
Đơn vị tính: VNĐ/kg
Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank
Cập nhật giá cà phê thế giới
Trên thị trường thế giới, giá cà phê arabica và robusta biến động trái chiều trong tuần đầu tiên của năm mới 2025.
Tại sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta kỳ hạn tháng 3/2024 kết thúc tuần qua ở mức 4.968 USD/tấn, tăng nhẹ 0,3% (15 USD/tấn) so với cuối tuần trước. Hợp đồng giao tháng 5/2025 cũng tăng 0,3% (13 USD/tấn) đạt 4.897 USD/tấn.
Giá cà phê robusta được hỗ trợ bởi vụ thu hoạch tại Việt Nam vẫn đang bị trì hoãn do mưa trái mùa tại khu vực Tây Nguyên, điều này cũng làm gia tăng lo ngại về vấn đề chất lượng cà phê ở quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 giảm 1,2% (4 US cent/pound) so với tuần trước, xuống còn 318,65 US cent/pound. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 giảm 0,9% (3 US cent/pound), đạt 314,9 US cent/pound.
Như vậy, giá cà phê arabica đã giảm tuần thứ hai liên tiếp và chạm đáy 4 tuần trở lại đây. Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là bởi lo ngại về hạn hán tại Brazil giảm bớt sau khi khu vực sản xuất cà phê arabica trọng điểm của nước này ghi nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình lịch sử vào tuần trước.
Ngoài ra, đồng Real của Brazil suy yếu so với USD đã thúc đẩy các hoạt động bán ra của Brazil.
Theo Công ty I & M Smith, khí hậu tại Brazil trong vụ mùa mới đã cải thiện đáng kể trong phần lớn tháng 12, nhờ lượng mưa và sự phân bổ đều trên các khu vực trồng cà phê rộng lớn. Dự báo cho thấy lượng mưa sẽ tiếp tục trong phần còn lại của tháng, điều này rất cần thiết cho sự phát triển của vụ mùa cà phê mới.
Vụ mùa này được dự báo có tiềm năng đạt ước tính trung bình là 64 triệu bao theo chu kỳ được mùa hai năm một.
Ngoại trừ Brazil, thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, các thị trường cà phê khác đang nổi lên trong thời gian gần đây, chủ yếu ở các quốc gia sản xuất cà phê.
Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về mức tiêu thụ cà phê nội địa cùng với sự phát triển của những sản phẩm có giá trị gia tăng và xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ cà phê nội địa ở Trung Quốc đã tăng 40% trong 5 năm qua, dự kiến đạt 6,2 triệu bao trong niên vụ 2024-2025.
Trong khi đó, tiêu thụ nội địa ở Indonesia dự kiến đạt 4,8 triệu bao trong niên vụ hiện tại, tăng 10,35% trong 5 năm qua.
Tại Việt Nam, tiêu thụ nội địa được USDA dự báo đạt tổng cộng 3,6 triệu bao trong niên vụ cà phê 2024-2025, tăng trưởng 33,33% trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, ở các thị trường truyền thống ưa chuộng trà này, mức tiêu thụ cà phê đang bắt đầu từ mức cơ sở tương đối thấp. Tương tự như vậy, các quốc gia không sản xuất cà phê ở Đông Nam Á, Trung Đông và phần nào ở châu Phi cũng chứng kiến sự gia tăng tiêu thụ cà phê trong những năm gần đây, nhờ vào sự phổ biến của các quán cà phê thời thượng thu hút giới trẻ đô thị.
Câu hỏi đặt ra khi bước vào năm mới này là liệu mức tiêu thụ cà phê có bắt đầu phản ánh sự kháng cự về giá của người tiêu dùng hay không, đặc biệt ở những thị trường tiêu thụ cà phê mới, vốn đã ghi nhận tăng trưởng tích cực hàng năm nhưng nhạy cảm về kinh tế với những biến động giá mạnh.
Có một sự đồng thuận ngày càng tăng, mặc dù có thể mất thời gian để chuyển thành số liệu cụ thể, rằng các thị trường tiêu thụ cà phê đã phát triển, đặc biệt ở Bắc Âu, đã đạt trạng thái bão hòa. Điều này diễn ra trước khi đợt tăng giá tiếp theo sẽ sớm được phản ánh trên thị trường tiêu dùng, sau sự gia tăng chóng mặt của thị trường tương lai cà phê vào năm 2024.