|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 2/1: Thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê có thể tiếp tục tăng trong năm 2025

07:14 | 02/01/2025
Chia sẻ
Ghi nhận trong ngày hôm nay, cả hai sàn đều đóng cửa nghỉ lễ năm mới. Tại trong nước, giá cà phê tăng nhẹ 100 đồng/kg ở Đắk Lắk nhưng ổn định ở các địa phương khác. Theo một số nhà phân tích, thị trường có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt trong năm thứ năm liên tiếp, dẫn đến việc giá cà phê tiếp tục tăng trong năm 2025.

Cập nhật giá cà phê trong nước

Giá cà phê hôm nay (2/1) tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 118.700 – 119.500 đồng/kg, tăng nhẹ tại Đắk Lắk và ổn định tại các địa phương khác.

Theo đó, giá cà phê tại Đắk Lắk tăng nhẹ 100 đồng/kg lên mức 119.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Nông, thương lái giữ nguyên giá thu mua cà phê ở mốc 119.500 đồng/kg,.

Đứng ở mức thấp hơn, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai được giao dịch ở mốc 119.400 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê đứng ở mức thấp nhất là 118.700 đồng/kg.

Thị trường

Trung bình

Thay đổi so với hôm trước

Đắk Lắk

119.500

+100

Lâm Đồng

118.700

-

Gia Lai

119.400

-

Đắk Nông

119.500

-

Tỷ giá USD/VND

25.228

+8

Đơn vị tính: VNĐ/kg

Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank 

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hôm nay đóng cửa nghỉ lễ ở mức 4.875 USD/tấn; hợp đồng giao tháng 5/2025 đạt 4.805 USD/tấn.

Tương tự, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 chốt ở mức 320 US cent/pound; hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 đạt 315,4 US cent/pound.

Theo comunicaffe, hoạt động trên cả hai thị trường cà phê kỳ hạn vẫn tương đối hạn chế trong tuần này do ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ năm mới.

Lượng mưa tốt được báo cáo tại Brazil, đặc biệt ở bang Minas Gerais, nơi lượng mưa dồi dào trong tuần trước đã giúp bổ sung nguồn nước và làm ẩm đất.

Trong khi đó, lượng tồn kho arabica được chứng nhận trên sàn Ice đã đạt mức cao mới trong hai năm rưỡi là 991.080 bao.

Thị trường arabica New York ghi nhận khu vực đầu cơ phi thương mại tăng vị thế mua ròng thêm 9,42% trong tuần giao dịch kết thúc vào ngày 24 tháng 12, đạt mức vị thế mua ròng mới là 41.753 lô, tương đương với 11,84 triệu bao.

Ngược lại, thị trường cà phê robusta London chứng kiến khu vực đầu cơ quản lý giảm nhẹ vị thế mua ròng 0,36% trong cùng tuần, đạt mức vị thế mua ròng mới là 21.161 lô, tương đương với hơn 3,5 triệu bao.

Triển vọng thị trường cà phê toàn cầu trong năm mới không mấy khả quan, khi sản lượng dự kiến sẽ giảm ở cả Brazil và Việt Nam.

Theo một số nhà phân tích, thị trường có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt trong năm thứ năm liên tiếp – một tình huống chưa từng có, có thể dẫn đến việc giá cà phê tiếp tục tăng.

Riêng với cà phê arabica, một vụ thu hoạch đáng thất vọng tại Brazil có thể đẩy giá lên cao hơn nữa, dao động trong khoảng 400 đến 500 cent, theo dự đoán của một số chuyên gia.

Còn theo Báo Đắk Nông, năm 2024, do ảnh hưởng từ thị trường, nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm. Điều đó, dẫn đến sản lượng xuất khẩu của mặt hàng cà phê Đắk Nông không đạt kế hoạch.

Tuy nhiên, bù lại do giá tăng mạnh, nên kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này thực hiện được khá cao, ước đạt 280 triệu USD, tăng 70,6% so với năm 2023.

Trong năm 2024, mặt hàng cà phê đang chiếm khoảng 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông.

Sản phẩm cà phê của tỉnh hiện đang được cung ứng qua các thị trường xuất khẩu chính như: Singapore, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Thụy Sĩ…

Trên địa bàn tỉnh đang có nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê tham gia phục vụ thị trường các nước trên thế giới, gồm: Công ty TNHH Olam Việt Nam, Intimex Đắk Nông, Công ty TNHH Hồng Đức…

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) cho hay, năm 2024 là một năm cực kỳ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Không chỉ giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, mà khâu vận chuyển cũng có nhiều chật vật do nhiều thời điểm giá cước tàu biển tăng chóng mặt.

Áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng lớn, vì các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đầu vào cho sản xuất cao hơn. Đồng thời, doanh nghiệp phải bảo đảm giá bán vẫn cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

"Điều này đặt ra một thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải có những giải pháp linh hoạt trong cơ cấu lại thị trường và mặt hàng", bà Nguyệt cho hay.

Hoàng Hiệp