|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 4/11: Tiếp tục giảm, giá cà phê khó có thể lặp lại lịch sử của niên vụ vừa qua?

06:52 | 04/11/2024
Chia sẻ
Thị trường tuần mới, giá cà phê hôm nay (4/11) giảm 500 đồng/kg tại các địa phương, dao động 105.500 - 106.000 đồng/kg. Chuyên gia nhận định, giá cà phê khó có thể lặp lại lịch sử của niên vụ vừa qua. Khi giá mặt hàng này tăng lên mức 3.000 USD/tấn, nhiều nước đã bắt đầu trồng thêm cà phê.

Cập nhật giá cà phê trong nước

Xem thêm: Giá cà phê hôm nay 3/11 

Giá cà phê ngày đầu tuần tiếp tục điều chỉnh giảm 500 đồng/kg tại các địa phương, xuống còn 105.500 – 106.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ghi nhận được kể từ ngày 22/5 đến nay.

Cụ thể, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông được các thương lái đưa về mức 106.000 đồng/kg.

Theo sau là giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, giao dịch ở mức 105.900 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê giảm về mốc 105.500 đồng/kg - mức thấp nhất trên thị trường.

Thị trường

Trung bình

Thay đổi so với hôm trước

Đắk Lắk

106.000

-500

Lâm Đồng

105.500

-500

Gia Lai

105.900

-500

Đắk Nông

106.000

-500

Tỷ giá USD/VND

25.095

+11

Đơn vị tính: VNĐ/kg

Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Giá cà phê thế giới ổn định trên các sàn giao dịch, arabica đứng ở mức thấp nhất trong 2 tháng và robusta thấp nhất trong gần 3 tháng.

Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 1/2025 đang được giao dịch ở mức 4.279 USD/tấn, hợp đồng giao tháng 3/2025 là 4.208 USD/tấn.

Còn trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 12 đạt 242,95 US cent/pound, hợp đồng giao tháng 3/2025 chốt ở mức 242,4 US cent/pound.

“Đặc biệt”, “thần kỳ”, “không bình thường” là các cụm từ được các chuyên gia và doanh nghiệp lặp đi lặp lại rất nhiều lần khi nhìn lại niên vụ 2023-2024 của ngành cà phê Việt Nam, theo Tạp chí Hải quan.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, suốt 30 năm làm trong ngành cà phê, lần đầu tiên ông chứng kiến nhiều chuyện không bình thường đến vậy. Đó là việc giá cà phê Việt Nam trở nên đắt nhất thế giới.

Cùng với những điều không bình thường đó là “nỗi đau” của không ít doanh nghiệp trong việc giao hàng đúng hạn. Điều này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các đối tác nước ngoài. Thậm chí, khi giá cà phê ở mức rất cao, tình trạng mất hàng khi đang trên đường vận chuyển đã xảy ra gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê vẫn nhận định niên vụ 2023-2024 là một niên vụ thần kỳ của ngành cà phê Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu chưa tới 1,5 triệu tấn nhưng kim ngạch lại đạt tới trên 5 tỷ USD.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công này của ngành cà phê. Trong đó, người nông dân đã sản xuất ra sản phẩm tốt với sản lượng vừa đủ. Chính vì đưa ra thị trường nguồn cung vừa đủ, nên giá mới tốt, ông Bình cho biết.

Nhưng bước sang niên vụ 2024-2025 (ngày 1/10/2024), giá cà phê liên tục giảm. Việc giá giảm là điều khó tránh khỏi sau mỗi đợt tăng giá mạnh. Hệ quả là, tại các vùng trồng cà phê, nhiều nhà vườn, đại lý và cả doanh nghiệp xuất khẩu đều cho biết việc bán hàng hiện rất ế ẩm.

Trước đó, nhiều nhà tiêu thụ cà phê đã kêu ca về việc giá cà phê Việt Nam quá đắt và cho biết, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sẽ không có nhà tiêu thụ nào có thể mua nổi. Một số nhà chế biến đã chuyển sang mua cà phê của nước khác, nhưng chỉ là tạm thời, vì người tiêu dùng thế giới đã quen với vị cà phê robusta của Việt Nam. Do đó, về lâu dài, các khách hàng vẫn muốn quay về với cà phê Việt Nam.

Nhận định về niên vụ 2024-2025, chuyên gia Nguyễn Quang Bình đánh giá, giá cà phê khó có thể lặp lại lịch sử của niên vụ vừa qua. Thậm chí, vừa qua, khi giá cà phê tăng lên mức 3.000 USD/tấn, nhiều nước như Kenya, Uganda, Ấn Độ… đã bắt đầu trồng thêm cà phê.

“Trong vài năm tới, sản lượng cà phê thế giới sẽ có đợt bùng nổ, gây thiệt hại cho thị trường, đặc biệt là nhà nông” – ông Bình dự báo. Do đó, đầu tư cho chất lượng thay vì chạy theo số lượng là hướng đi được vị chuyên gia này khuyến nghị cho ngành cà phê Việt Nam trong thời gian tới.

Hoàng Hiệp