|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 29/11: Tiếp tục xu hướng tăng, robusta lập đỉnh lịch sử

06:05 | 29/11/2024
Chia sẻ
Giá cà phê robusta trên sàn London tiếp tục tăng 32 USD/tấn lên mức kỷ lục mới là 5.565 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê trong nước cũng chạm mốc 131.000 đồng/kg và tiệm cận mức đỉnh lịch sử đạt được vào tháng 4.

Cập nhật giá cà phê trong nước

Xem thêm: Giá cà phê hôm nay 28/11

Ghi nhận trong sáng ngày 29/11, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 130.700 – 131.500 đồng/kg, tiếp tục tăng mạnh 3.000 – 3.300 đồng/kg so với ngày hôm qua và cách không quá xa so với mức đỉnh lịch sử 134.400 đồng/kg đạt được vào tháng 4 năm nay.

Trong đó, các đại lý tại tỉnh Đắk Nông đang thu mua cà phê ở mức cao nhất là 131.500 đồng/kg, tăng 3.300 đồng/kg.

Theo sau là giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk với 131.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.

Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai cũng đang được thu mua ở mức 131.000 đồng/kg, tăng 3.100 đồng/kg.

Còn tại Lâm Đồng, giá cà phê được giao dịch ở mức 130.700 đồng/kg, tăng 3.200 đồng/kg.

Thị trường

Trung bình

Thay đổi so với hôm trước

Đắk Lắk

131.000

+3.000

Lâm Đồng

130.700

+3.200

Gia Lai

131.000

+3.100

Đắk Nông

131.500

+3.300

Tỷ giá USD/VND

25.145

0

Đơn vị tính: VNĐ/kg

Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch ngày 29/11, giá cà phê trên sàn London tiếp tục xu hướng tăng trong khi sàn New York đóng cửa nghỉ lễ. Diễn biến cụ thể như sau:

Tại sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 1/2025 nhẹ 0,58% (tương ứng 32 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, lên mức kỷ lục mới là 5.565 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 3/2025 cũng tăng 0,58% (32 USD/tấn), đạt 5.528 USD/tấn.

Giá cà phê robusta trên sàn London trong phiên giao dịch ngày 29/11. (Nguồn: giacaphe.com)  

Sàn giao dịch New York đóng cửa nghỉ lễ với giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 chốt ở mức 323,05 US cent/pound hôm 28/11; còn hợp đồng giao tháng 5/2025 ở mốc 320,7 US cent/pound.

Giá cà phê arabica trên sàn New York trong phiên giao dịch ngày 29/11. (Nguồn: giacaphe.com)   

Các nhà giao dịch cho biết sự gia tăng của hợp đồng kỳ hạn cà phê arabica, đạt mức cao nhất trong 47 năm, đang thúc đẩy thị trường robusta, theo Reuters.

Đồng thời cho biết tình trạng đình công tại Brazil, nhà sản xuất arabica hàng đầu, có thể khiến nguồn cung cà phê thắt chặt hơn nữa.

Theo một bài đăng trên trang web của công đoàn Brazil, các kiểm toán viên tại Brazil đã bắt đầu một cuộc đình công trên toàn quốc để yêu cầu tăng lương, với thông báo rằng hành động này sẽ kéo dài vô thời hạn và bao gồm một cuộc biểu tình tại thủ đô Brasilia vào tuần tới.

Cng ty luật Martinelli Advogados có trụ sở tại Santa Catarina cho biết "Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều vấn đề về logistics và có thể làm trầm trọng thêm cho hoạt động thương mại quốc tế của Brazil".

Trong khi đó, vụ thu hoạch diễn ra chậm tại Việt Nam, nhà sản xuất robusta hàng đầu, đã góp phần hỗ trợ đà tăng giá của thị trường.

"Khối lượng hạt cà phê mới thu hoạch mà chúng tôi đã mua từ nông dân cho đến thời điểm này của vụ mùa thấp hơn rất nhiều so với trước đây," một thương nhân tại vành đai cà phê của Việt Nam cho biết.

Hôm 28/11, giá cà phê trên thị trường nội địa Việt Nam ghi nhận ngày tăng giá thứ 8 liên tiếp lên mức hơn 128.000 đồng/kg, cách không quá xa so với mức đỉnh lịch sử 134.400 đồng/kg đạt được vào tháng 4 năm nay. 

Còn theo Bloomberg, giá cà phê arabica, loại hạt được ưa chuộng trong các dòng cà phê đặc sản chạm mức cao nhất kể từ năm 1977 và hiện tăng gần 70% trong năm nay.

Hạn hán nghiêm trọng tại Brazil hồi đầu năm đã làm dấy lên lo ngại về sản lượng của quốc gia này. Trong khi đó, khu vực trồng cà phê chính tại Việt Nam cũng đối mặt với tình trạng khô hạn kéo dài trong giai đoạn canh tác, cùng với mưa lớn xuất hiện ngay khi thu hoạch bắt đầu.

Đợt tăng giá này đang gây áp lực lớn hơn lên các quán cà phê và nhà rang xay, khiến chi phí cho người tiêu dùng tăng mạnh.

"Các yếu tố thúc đẩy đợt tăng giá lần này khá phức tạp, bao gồm lo ngại về sản lượng của Brazil trong mùa vụ 2025-2026, cùng với các thách thức về vận chuyển và logistics.”, nhà phân tích Carlos Mera của ngân hàng Rabobank nhận định.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng những yếu tố như sự bất định về thời điểm áp dụng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu và việc đẩy mạnh bán hàng sang Mỹ trước nguy cơ áp thuế thương mại dưới thời chính quyền Trump cũng góp phần vào biến động này.

Hoàng Hiệp