Giá cà phê hôm nay 28/11: Giá robusta lập kỷ lục mới, trong nước vượt mốc 128.000 đồng/kg
Cập nhật giá cà phê trong nước
Xem thêm: Giá cà phê hôm nay 27/11
Ghi nhận trong ngày hôm nay, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 127.500 – 128.200 đồng/kg, tăng mạnh 4.000 – 4.100 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Trong đó, giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông đang được thu mua ở mức cao nhất là 128.200 đồng/kg, tăng 4.100 đồng/kg.
Tiếp đến, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk được thu mua ở mức 128.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai cũng tăng 4.000 đồng/kg, lên 127.900 đồng/kg.
Tương tự, giá cà phê tại Lâm Đồng tăng 4.000 đồng/kg, đứng ở mức 127.500 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê trong nước đã tăng liên tiếp trong 8 ngày trở lại đây và cách không quá xa so với mức đỉnh lịch sử 134.400 đồng/kg đạt được vào tháng 4 năm nay.
Thị trường |
Trung bình |
Thay đổi so với hôm trước |
Đắk Lắk |
128.000 |
+4.000 |
Lâm Đồng |
127500 |
+4.000 |
Gia Lai |
127.900 |
+4.000 |
Đắk Nông |
128.200 |
+4.100 |
Tỷ giá USD/VND |
25.145 |
-25 |
Đơn vị tính: VNĐ/kg
Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank
Cập nhật giá cà phê thế giới
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta đã thiết lập cột mốc kỷ lục mới trong phiên giao dịch vừa qua và arabica cao nhất trong 47 năm.
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng 6,92% (tương ứng 358 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, lên mức 5.533 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 3/2025 cũng tăng tới 7,47% (382 USD/tấn), đạt 5.496 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 4,6% (14,2 US cent/pound), lên mức 323,05 US cent/pound. Hợp đồng giao tháng 5/2025 tăng 4,7% (14,4 US cent/pound), chốt ở mốc 320,7 US cent/pound.
Theo các nhà giao dịch và chuyên gia trong ngành, nông dân Brazil, nơi sản xuất gần một nửa lượng cà phê arabica trên thế giới, đã bán khoảng 70% sản lượng vụ mùa hiện tại và không vội bán trước vụ mùa năm sau, với kỳ vọng giá sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Ở một mức độ nào đó, arabica và robusta có thể thay thế cho nhau, do đó tình trạng thiếu hụt của một trong hai loại thường làm tăng nhu cầu và giá của loại còn lại.
Công ty giao dịch Sucafina cho biết, nỗi lo ngại các nhà sản xuất có thể không thực hiện đúng cam kết hoặc trì hoãn việc giao hàng, cùng với chi phí phòng ngừa rủi ro gia tăng do các yêu cầu ký quỹ cao hơn, đang gây ra sự hoảng loạn, khiến các nhà giao dịch đóng các vị thế phòng hộ của mình bằng cách mua vào hợp đồng tương lai.
Vụ mùa năm sau ở Brazil dường như đã mất đi một phần tiềm năng do hạn hán diễn ra hồi đầu năm nay, với độ ẩm trong đất vẫn còn thấp mặc dù đã có những cơn mưa gần đây. Đồng thời cũng có những lo ngại rằng các hoa cà phê hiện tại có thể không bám vào cành và hình thành quả để thu hoạch, theo Reuters.
"Một sự kết hợp giữa các đợt mưa và khô được dự báo sẽ diễn ra trong tuần tới, nhưng tình trạng của cây trồng vẫn là câu hỏi lớn," công ty môi giới ADMISI cho biết.
Bên cạnh đó, cũng có lo ngại rằng vụ thu hoạch tại Việt Nam, nước sản xuất robusta hàng đầu, bị trì hoãn do mưa lớn.
Mặc dù đang trong giai đoạn thu hoạch rộ nhưng người nông dân trồng cà phê Việt Nam dường như chưa vội vàng bán ra. “Không giống như những năm trước, nông dân không gặp áp lực tài chính vì họ có thể kiếm tiền từ sầu riêng hoặc tiêu, do đó hoạt động thu hoạch không quá gấp gáp và họ không vội bán cà phê nhân,” một nhà giao dịch cho biết.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong 15 ngày đầu tháng 11, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ đạt 20.933 tấn, giảm mạnh 44,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên hôm 27/11 tiếp tục tăng mạnh ngày thứ 7 liên tiếp với mức tăng 2.200 – 2.500 đồng/kg so với hôm trước, lên mức 123.500 – 124.100 đồng/kg.
Còn theo Comunicaffe, các nút thắt về logistics tiếp tục gây khó khăn cho xuất khẩu cà phê của Brazil, vốn đã đạt mức kỷ lục trong năm nay.
Dữ liệu từ Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) cho thấy, có tới 1,7 triệu bao cà phê nhân xanh (tương đương 5.203 container) vẫn đang bị mắc kẹt tại các cảng của Brazil do những hạn chế về cơ sở hạ tầng.