|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê giảm vì chốt lời, nguồn cung tăng

14:32 | 31/03/2017
Chia sẻ
Giới đầu tư chốt lời với cà phê trong phiên giao dịch cuối cùng của quý I, với lo ngại về nguồn cung được xoa dịu khi Indonesia vừa thu hoạch một vụ cà phê nhỏ. Thậm chí có đồn đoán Brazil sẽ cho phép nhập khẩu robusta trở lại.
Giá cà phê giảm vì chốt lời, nguồn cung tăng. (Nguồn: International Business Times).

Trong ngày giao dịch cuối cùng của quý I, một số nhà đầu tư quyết định chốt lời với cà phê sau một tuần biến động thất thường, khiến giá cà phê robusta giảm nhẹ trong khi giá cà phê arabica không đổi.

Cụ thể, giá cà phê robusta kỳ hạn trên sàn ICE London chỉ giảm 10 - 13 USD tính tới chốt phiên hôm qua; trong khi giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE Mỹ không đổi so với chốt phiên kế trước.

Với phiên giảm nhẹ của thị trường cà phê thế giới, các công ty thu mua cũng hạ giá cà phê Tây Nguyên xuống 46.100 - 46.900 đồng/kg.

Nguồn: giacaphe

Theo đó, chênh lệch giá giữa cà phê robusta loại 2 (hạt đen có 5% tấm) của Việt Nam cà phê giao tháng 7 trên sàn ICE London thu hẹp lại còn 20 - 30 USD/tấn, từ mức 35 - 50 USD/tấn (so với giá hợp đồng giao tháng 5) của tuần trước.

Giá cà phê lại bị điều chỉnh giảm khi thị trường xuất hiện nguồn cung mới từ Indonesia. Trước khi bước vào vụ chính năm nay, nông dân Indonesia sẽ thu hoạch một vụ cà phê phụ từ cuối tháng 3.

Nguồn cung tăng khiến giao dịch cà phê tại thị trường Indonesia cũng sôi động hơn và áp lực tăng giá dịu bớt. Theo đó, giá cà phê robusta loại 4 của Indonesia thấp hơn 25 USD so với giá robusta giao tháng 5 trên sàn ICE London. Trong tuần trước, mức chênh lệch này mới chỉ là 5 - 10 USD/tấn.

"Giao dịch nội địa khá sôi động với khối lượng tăng vọt. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu không lớn vì sự bất ổn của giá cả thế giới," một thương lái cho biết.

Theo số liệu chính thức, xuất khẩu cà phê của Indonesia trong tháng 2 tăng vọt 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, thị trường cà phê Việt Nam lại giao dịch khá trầm lắng vì nguồn cung đang dần cạn kiệt, giới thương lái cho biết.

Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu đang cố thu mua số cà phê còn lại trong các hộ dân để hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó với nước ngoài.

Nhu cầu tiêu thụ cà phê Việt Nam cũng khá yếu ớt, bởi thị trường thế giới đang hướng vào nơi có nguồn cung dồi dào hơn là Indonesia và Brazil, ông Phan Hung Anh, Phó giám đốc công ty xuất khẩu Anh Minh (Đắk Lắk) cho biết.

Hơn nữa, giá cà phê của Việt Nam hiện cũng đang ở mức khá cao. "Rất khó để doanh nghiệp có thể ký được hợp đồng với mức giá hiện tại. Các bên mua đều cho rằng, giá cà phê Việt Nam vẫn khá cao. Giá robusta tại London phải tăng mạnh hơn nữa thì thị trường cà phê Việt Nam mới giao dịch sôi động trở lại được," một thương lái ở TP Hồ Chí Minh nói.

Kết quả là, chính phủ Việt Nam ước tính xuất khẩu cà phê giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I, xuống còn 467.000 tấn. Xuất khẩu cà phê tháng 4 dự báo cũng sẽ giảm xuống còn 100.000 - 130.000 tấn.

Hiện tại, có một số đồn đoán cho rằng, sau phiên đấu giá robusta thất bại ngày 22/3, chính phủ Brazil sẽ cho phép nhập khẩu 1 triệu bao cà phê Robusta miễn thuế và với số vượt hạn ngạch sẽ áp mức thuế suất 35%. Nếu đúng như tin đồn này, giá cà phê Việt Nam nói riêng và giá robusta thế giới nói chung dự báo sẽ tăng mạnh hơn nữa.

Thanh Tùng