|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê giảm khi người tiêu dùng ở nhà vì COVID-19

15:55 | 30/03/2020
Chia sẻ
Nhu cầu giảm trong khi cây trồng khỏe mạnh có thể dẫn đến tình trạng thừa cung và giá thấp, mặc dù Tổ chức Cà phê Thế giới dự báo thế giới thâm hụt 0,48 triệu bao cà phê trong năm nay.

Tác động của virus corona đã lan rộng đến những người trồng cà phê trên thế giới, với giá cà phê giảm do nhu cầu suy yếu khi người tiêu dùng tránh tới các cửa hàng và ở nhà.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất từ Brazil, nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự bùng phát virus corona đã gây ra sự sụt giảm mạnh về nhu cầu, với Starbucks đóng cửa hơn 2.000 cửa hàng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào cuối tháng 1.

Quyết định này sẽ dẫn đến sự sụt giảm về tiêu thụ cà phê của Trung Quốc, một thương nhân Nhật Bản cho biết.

Tính đến cuối tháng 2, giá hợp đồng cà phê arabica giao sau trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đạt 120 US cent/pound, giảm 10% so với đầu tháng 12 năm ngoái, khi giá tăng vọt lên 135 US cent/pound.

Giá cà phê vẫn trì trệ ở quanh mức khoảng 120 USD cent/pound.

Cùng với nhu cầu chậm lại của Trung Quốc, Brazil dự kiến sẽ có một vụ mùa tốt trong năm tính tới tháng 9 /2021, điều này có thể gây ra tình trạng dư cung, theo Nikkei Asia Review.

"Giá cà phê được dự báo sẽ vẫn khá cao nửa đầu năm nay", đại diện công ty thương mại Marubeni cho biết.

Giá cà phê giảm khi người tiêu dùng ở nhà vì COVID-19 - Ảnh 1.

Biến động giá cà phê arabica giao sau. Đơn vị: US cent/pound.

Người Trung Quốc đã dần thích uống cà phê trong những năm gần đây, điều giúp Starbucks mở cửa hàng trên khắp quốc gia châu Á và chuỗi cà phê địa phương Luckin cũng ngày càng trở nên phổ biến.

Trước khi dịch virus corona bùng phát, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã dự báo tiêu thụ cà phê của Trung Quốc sẽ tăng 51% lên 3,3 triệu bao (loại 60kg/ bao) trong giai đoạn tháng 9/2014 - 9/2020.

Mặc dù vậy, sự lây lan của virus corona bắt đầu cản trở sự phát triển đó. Không giống như ở Nhật Bản, nơi nhiều người tiêu dùng uống cà phê tại nhà, hầu hết khách hàng uống cà phê tại các quán cà phê và nhà hàng ở Trung Quốc, ông Shiro Ozawa - cố vấn cho doanh nghiệp cà phê thượng hạng Wataru and Co có trụ sở tại Tokyo, cho biết.

Giá cà phê giảm khi người tiêu dùng ở nhà vì COVID-19 - Ảnh 2.

Tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc. Đơn vị: triệu bao.

Kazuyuki Kajiwara, Tổng giám đốc tại bộ phận đồ uống của Marubeni, cho hay: "Mọi người đã hạn chế việc ăn uống không cần thiết do virus corona mới, hậu quả là tiêu thụ cà phê tại các quán và nhà hàng giảm mạnh".

Thị trường Nhật Bản cũng đang bắt đầu cảm nhận được sức ảnh hưởng của dịch bệnh. Mặc dù tăng trưởng đã chậm lại, Nhật Bản vẫn là nước tiêu thụ cà phê lớn thứ tư thế giới, với mức tiêu thụ ước đạt 8,1 triệu bao (loại 60kg/bao) tính đến tháng 9/2020.

Đại diện một công ty đồ uống Nhật Bản cho biết với số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đang giảm và nhiều người không thể đi ra ngoài, doanh số tại các khách sạn cũng như nhà hàng và quán cà phê ở các điểm du lịch lớn đã giảm.

Giá cổ phiếu của các chuỗi cà phê niêm yết tại Nhật Bản cũng bị virus corona tác động. Cổ phiếu của Komeda Holdings và GINZA RENOIR đã giảm hơn 10% kể từ cuối năm 2019.

Dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu cũng có thể được điều chỉnh giảm xuống, ông Ozawa của Wataru and Co nhận định. 

Trong khi tiêu thụ cà phê dự kiến sẽ giảm trên toàn cầu, các nước sản xuất cà phê được dự báo sẽ có một vụ mùa kỉ lục. Nhiều công ty nghiên cứu dự đoán Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, sẽ sản xuất 67 - 69 triệu bao cà phê (loại 60 kg/ bao) tính đến tháng 9/2021, vượt kỉ lục 64,8 triệu bao cùng thời điểm này năm 2019.

Việt Nam, nhà sản xuất cà phê số 2 thế giới, cũng dự kiến một vụ mùa bội thu trong giai đoạn đó. 

Mặc dù giá duy trì ở mức thấp, các nhà phân tích cho rằng nếu virus tiếp tục lây lan ở các khu vực sản xuất cà phê sau khi Brazil xác nhận trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên vào ngày 26/2, sự sụt giảm về nguồn cung có thể bắt đầu kéo giá lên.

"Sự lây lan của virus corona mới ở các khu vực sản xuất cà phê, gồm cả châu Phi và châu Mỹ Latinh, sẽ cần phải được theo dõi chặt chẽ", ông Ozawa nói.

Tố Tố

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.