|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giá cả ổn định trong ngày mùng 1 Tết

22:37 | 01/02/2022
Chia sẻ
Ngày 1/2, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trên cả nước hầu hết các chợ và siêu thị, trung tâm thương mại đều đóng cửa, riêng tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại Aeon Mall, Lotte vẫn mở cửa phục vụ người dân thành phố từ 12 - 22 giờ.
Giá cả ổn định trong ngày mùng 1 Tết - Ảnh 1.

Lượng hàng hóa bày bán tại các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh khá dồi dào. (Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức).

Tại một số địa phương, chỉ có số ít hàng tạp hóa bày bán hộp quà Tết mở cửa, mặt hàng rau củ, quả, thực phẩm tươi sống do nông dân tự canh tác hoặc hàng tồn đọng từ ngày trước Tết được bán tại một số chợ tự phát. Nguồn cung và giá cả các mặt hàng nhìn chung ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Đặc biệt, từ ngày hôm nay, giá gas bán lẻ trong nước tăng do tác động của giá thế giới tăng.

Cụ thể, giá các mặt hàng gas trên địa bàn thành phố Cần Thơ đồng loạt tăng từ 16.000 - 17.000 đ/bình 12 kg do giá nhiên liệu nhập nhập khẩu tăng. Còn tại chợ truyền thống, giá cả các mặt hàng thiết yếu từ chiều ngày 29 tháng Chạp đến sáng mùng 1 Tết cơ bản ổn định bởi người dân đã mua đủ số lượng cho những ngày Tết. Nhu cầu về giỏ hàng, bia, nước ngọt giá tăng nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng, chủ yếu do các tiểu thương tự tăng giá bán cho khách qua đường. Nhìn chung giá cả hàng hóa ở thời điểm này tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.

Tại Bình Dương, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu không có sự biến động bất thường về giá do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm ít hơn, người dân đa phần đã mua sắm, dự trữ đầy đủ trước Tết.

Cục Quản lý giá dự báo giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong ngày mùng 2 Tết sẽ không có sự biến động bất thường về giá do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm ít hơn. Tại một số tỉnh, thành phố lớn thì nhiều siêu thị, cửa hàng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu và nguồn cung hàng hóa đều đáp ứng đầy đủ.

Cục Quản lý giá kiến nghị tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, đánh giá nguồn cung và nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có biến động, tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán hoặc trong các trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Cùng với đó, các địa phương thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch tại những địa điểm có thể tập trung đông người như: chợ truyền thống, siêu thị…

Thùy Dương