Gen Z châu Á ngày càng ưu tiên hình thức làm việc linh hoạt
Theo một báo cáo của WGSN, người tiêu dùng thuộc nhóm Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2012) đang thâm nhập thị trường với việc tự trao quyền cho bản thân với tư cách là “một người có khả năng tự điều khiển cơ bản” đối với các hành vi tiêu dùng của họ, theo Retail Asia.
WGSN đã xác định “5 trụ cột và ưu tiên” dành riêng cho hành vi của người tiêu dùng thuộc Gen Z ở châu Á Thái Bình Dương, bao gồm: Định nghĩa về bản thân, sức khỏe tài chính có chủ đích, hoạt động xuyên khu vực châu Á (Pan-Asian activity), công việc 3.0 (Work 3.0), tiêu dùng và tiền bạc.
Alison Ho, chuyên gia phân tích về thị trường bán lẻ tiêu dùng tại WGSN cho biết: “Từ khát vọng nghề nghiệp mới đến sức khỏe tài chính tượng trưng như một biểu tượng của địa vị, người tiêu dùng thuộc nhóm Gen Z trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang thay đổi căn bản cách họ sống, làm việc và tiêu dùng. Điều này tạo ra những tác động mới đối với các thương hiệu”.
Bà nói thêm: “Từ quan điểm mang tính sáng tạo, những người dùng trẻ tuổi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có những hoạt động mang tính đổi mới để đưa chủ đề cách tân vào văn hóa trong khu vực”.
Để tự định nghĩa, người tiêu dùng Gen Z đang tìm cách thử nghiệm và xác định xem họ là người ưu tiên hình thức trực tuyến (online) hay ngoại tuyến (offline), với 63% cho biết họ thể hiện danh tính của mình thông qua suy nghĩ và ý kiến.
Người tiêu dùng thuộc nhóm Gen Z tại châu Á – Thái Bình Dương cũng đang ưu tiên sức khỏe toàn diện của họ. Báo cáo của WGSN chỉ ra rằng có khoảng 48% người dùng trẻ tuổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cảm thấy căng thẳng do áp lực trong công việc hoặc học tập cũng như các mối quan tâm về tài chính.
Những người tiêu dùng trong nhóm khách hàng Gen Z cũng đang đánh giá cao tính truyền thống, được thúc đẩy “thời kỳ phục hưng sáng tạo mang tính đặc trưng, được truyền cảm hứng bởi sự hoài cổ và hào nhoáng”.
Khoảng 57% người tiêu dùng thuộc nhóm Gen Z ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng cho rằng thành công là nhờ sự cân bằng mang tính lành mạnh giữa công việc và cuộc sống, khi họ có xu hướng đi ngược lại lịch làm việc truyền thống, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều điển hình ở nhiều nơi, và chọn lịch làm việc linh hoạt hơn.
Báo cáo mới nhất về xu hướng tiêu dùng của WGSN cũng cho biết trung bình cứ ba thanh niên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì có khoảng một người coi tài chính là một phần của sức khỏe và thể chất của họ.
Báo cáo cũng cho biết có khoảng 68% người tiêu dùng Gen Z tại châu Á – Thái Bình Dương khẳng định họ cảm thấy thoải mái với việc quản lý tài chính của bản thân. Họ đang dành thời gian và nỗ lực cho việc ổn định tài chính trong thực tế để tìm sự cân bằng giữa sự thỏa mãn và an toàn.