|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gelex quyết mua chi phối Viglacera và PXL, tham vọng thâu tóm loạt dự án KCN tỉ USD

13:52 | 13/07/2020
Chia sẻ
Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) đang có kế hoạch rót vốn vào KCN Long Sơn có tổng mức đầu tư gàn 1,3 tỉ USD. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu mua cổ phần chi phối Viglacera – Đơn vị hiện nắm giữ quĩ đất hơn 5.000 ha tại 12 dự án KCN tại phía Bắc và tiếp tục mở rộng quĩ đất trong năm nay.

Long Sơn PIC dự kiến huy động vốn từ nhóm Gelex, tiếp tục triển khai dự án KCN Long Sơn gần 1,3 tỉ USD

CTCP Đầu tư KCN Dầu khí Long Sơn (Long Sơn PIC, mã: PXL) mới đây thông qua cho phép Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, mã: GEX) và các đơn vị thành viên, công ty liên kết của Gelex nhận chuyển nhượng cổ phần PXL để đạt tỉ lệ sở hữu đến 65% vốn điều lệ Long Sơn PIC mà không cần làm thủ tục chào mua công khai.

Theo đó, Long Sơn PIC dự kiến phát hành riêng lẻ 650 tỉ đồng cổ phiếu cho đơn vị thành viên của Gelex là Công ty TNHH MTV Năng Lượng Gelex và 175 tỉ đồng cho CTCP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ - Hưng Yên trong hai quí cuối năm 2020. 

Tổng giá trị phát hành dự kiến là 825 tỉ đồng, tương đương 99,73% số lượng cổ phiếu PXL đang lưu hành. Như vậy, vốn điều lệ Long Sơn PIC sau phát hành dự kiến tăng lên 1.652 tỉ đồng.

Trước đó, Năng Lượng Gelex đã mua hơn 15,8 triệu cổ phần PXL vào ngày 5/6 vừa qua. Cùng với phần vốn Tổng công ty Gelex đã nắm giữ chiếm tỉ lệ 3,95% vốn điều lệ, hiện nhóm Gelex đang là cổ đông lớn nhất của Long Sơn PIC với tổng tỉ lệ sở hữu lên tới 23,01% vốn điều lệ.

Gelex quyết tâm mua chi phối Viglacera và Long Sơn PIC, thâu tóm loạt dự án KCN tỉ USD - Ảnh 1.

Cơ cấu cổ đông dự kiến sau phát hành của Long Sơn PIC. Nguồn: Long Sơn PIC

Dự kiến sau phát hành, hai cổ đông lớn của Long Sơn PIC gồm Năng lượng Gelex sẽ nắm giữ 48,91% vốn góp; KCN Viglacera Yên Mỹ - Hưng Yên nắm giữ 10,59% vốn. Như vậy, tỉ lệ sở hữu của nhóm Gelex tại Long Sơn PIC sẽ tăng lên 59,5% vốn điều lệ.

Thông tin thêm, một thành viên của Gelex trong lĩnh vực kinh doanh khu công nghiệp là Tổng công ty Viglacera hiện cũng đang lên phương án tăng vốn tại CTCP Phát triển KCN Yên Mỹ để đầu tư các KCN phía Nam.

Chiều ngược lại, Tổng công ty IDICO – CTCP sẽ không còn là cổ đông lớn của Long Sơn PIC, tỉ lệ sở hữu tương ứng giảm còn 4,27% vốn cổ phần.

Về lí do phát hành, Long Sơn PIC cho biết đang thiếu nguồn lực tài chính để tiếp tục triển khai Dự án KCN Long Sơn với tổng mức đầu tư 29.611 tỉ đồng (gần 1,3 tỉ USD). Được biết, dự án gồm ba giai đoạn với mức đầu tư cho từng giai đoạn lần lượt là 11.759 tỉ đồng cho giai đoạn 1, 10.453 tỉ đồng cho giai đoạn 2 và 7.399 tỉ đồng cho giai đoạn 3.

Tại mỗi giai đoạn triển khai thực hiện dự án, vốn chủ sở hữu cần thiết để đủ điều kiện thực hiện phải đạt tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án. Trong khi đó, tính đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của công ty mới đạt 810,4 tỉ đồng.

Quyết tâm mua chi phối VGC trong năm 2020, định hướng phát triển hệ sinh thái KCN

Đầu tháng 7 vừa qua, HĐQT Gelex vừa thông qua kế hoạch chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 21,19% vốn điều lệ của Tổng công ty Viglacera – CTCP.

Được biết, Gelex và các công ty con đang sở hữu tổng cộng 112 triệu cp VGC, tương đương 24,96% vốn điều lệ của Viglacera và là cổ đông lớn thứ hai chỉ sau Bộ Xây dựng. Nếu giao dịch thành công, doanh nghiệp này sẽ nâng sở hữu lên gần 207 triệu cổ phiếu, tương đương 46,15% vốn tại Viglacera.

Đối với việc chào mua công khai từ phía Gelex, HĐQT Tổng công ty Viglacera đã ra nghị quyết nhất trí về việc chào mua công ty cổ phần VGC để Gelex nâng sở hữu lên 46,15% vốn điều lệ VGC.

Viglacera hiện nắm giữ quĩ đất hơn 5.000 ha tại 12 dự án KCN tại phía Bắc và tiếp tục đặt trọng tâm phát triển mảng KCN trong năm nay. Đơn vị này đang lên kế hoạch mở rộng 6 dự án KCN mới với tổng diện tích lên đến 2.460 ha.

Cụ thể, KCN mới trong Huế có diện tích 1.000 ha, KCN Phú Thọ (500 ha), Đồng Văn 4 mở rộng - Hà Nam (300 ha), Tiền Hải mở rộng - Thái Bình (270 ha), Thuận Thành - Bắc Ninh (250 ha) và Đông Mai mở rộng - Quảng Ninh (140 ha).

Năm 2019, Gelex từng có kế hoạch mua cổ phần chi phối Viglacera nhưng không thành công. Ban lãnh đạo công ty quyết tâm hoàn thành mục tiêu này trong năm nay để có thể hợp nhất kết quả kinh doanh Viglacera vào Gelex trong quí cuối năm.

Theo Gelex, nguồn vốn cho hoạt động M&A dự kiến lấy từ nguồn thoái mảng logistics và lợi nhuận giữ lại của công ty, trong đó công ty sẽ thoái vốn khỏi CTCP DAP – Vinachem, Cảng Đồng Nai (PDN).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Gelex, chia sẻ về định hướng hoạt động một khi sáp nhập thành công Viglacera, Chủ tịch Gelex tham vọng Gelex và Viglacera sẽ trở thành tổ hợp phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam và bỏ xa các đối thủ khác.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, hiện nay Viglacera mới chỉ đầu tư KCN đơn thuần, với sự tham gia sâu hơn của Gelex trong thời gian tới, hai bên sẽ phát triển một hệ sinh thái KCN: "Viglacera và Gelex sẽ hình thành một hệ sinh thái, ngoài phát triển và vận hành KCN sẽ còn cung cấp điện, nước cho các KCN này và xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân".

Bên cạnh đó, Gelex dự tính doanh thu năm 2020 có thể đạt 19.600 tỉ đồng nếu hợp nhất thành công Viglacera hoặc 17.500 tỉ đồng trong kịch bản chưa hợp nhất. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 975 tỉ đồng nếu hợp nhất và 735 tỉ đồng trong trường hợp còn lại.

Thu Thủy