|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GDP Việt Nam đứng thứ mấy trong Top 6 nền kinh tế lớn của Đông Nam Á?

08:04 | 22/02/2022
Chia sẻ
Trong năm 2021, Việt Nam đứng thứ 5 về GDP trong số các quốc gia thuộc nhóm ASEAN-6 với GDP theo giá hiện hành khoảng 8,4 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng 368 tỷ USD.

Mới đây, Thái Lan, quốc gia cuối cùng trong nhóm ASEAN-6 (gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam), đã công bố kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2021 của mình.

Theo báo cáo của Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC), nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 1,9% trong quý IV/2021 so với cùng năm 2020 và tăng 1,8% (có hiệu chỉnh theo mùa) so với quý III/2021.

Như vậy, nền kinh tế Thái Lan đã tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật, tức là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế âm liên tục trong hai quý. Trước đó, Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,9% trong quý III/2021 so với quý trước và âm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Dữ liệu cho thấy, nền kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng 1,6% trong cả năm 2021. NESDC vẫn tiếp tục duy trì dự báo kinh tế cho năm 2022 ở mức 3,5% đến 4,5%, giống như dự báo được đưa ra vào hồi tháng 11/2021.

Trước đó, tất cả các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam, đều báo cáo mức tăng trưởng cao hơn so với Thái Lan.

GDP Việt Nam đứng thứ mấy trong top 6 nền kinh tế lớn của Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Cụ thể, theo số liệu được công bố hôm 3/1, tăng trưởng GDP Singapore năm 2021 tăng 7,2%, phục hồi từ mức tăng trưởng âm 5,4% do đạt dịch gây ra vào năm 2020. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010 - thời điểm nền kinh tế Singapore phục hồi 14,5% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đối với năm 2022, Chính phủ Singapore dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP trong khoảng 3% đến 5%.

Trong khi đó, GDP Indonesia tăng trưởng 3,69% so với cùng kỳ, phục hồi từ mức tăng trưởng âm 2,07% vào năm 2020. Bộ Tài chính nước này trước đó đã dự báo tăng trưởng ở mức 3,7%. Song, con số này vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch là tăng trưởng GDP hàng năm 5%.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới vào tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của Indonesia xuống 5,6%, từ mức 5,9% được đưa ra trước đó, đồng thời cắt giảm dự báo năm 2023 xuống 6% từ 6,4%.

Năm 2021, Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng GDP đạt 3,1%, phục hồi từ mức tăng trưởng âm 5,6% trong 2020. Malaysia đang trên đà phục hồi sau khoảng hai năm COVID-19, hàng nghìn người đã mất việc làm và doanh nghiệp buộc phải đóng cửa sản xuất kinh doanh.

Đối với năm 2022, Ngân hàng Trung ương nước này ước tính GDP sẽ tăng trưởng từ 5,5% đến 6,5%.

Sau 5 quý suy thoái liên tục bắt đầu từ quý I/2020 - quý I/2021, Philippines đạt mức tăng trưởng GDP 5,6% trong năm 2021, đảo ngược từ mức giảm kỷ lục 9,6% trong năm 2020.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,58% trong năm 2021 (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước.

Điều này được lý giải do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, mức tăng trưởng này cũng dựa trên nền tảng năm 2020 tăng trưởng dương 2,91%.

GDP Việt Nam đứng thứ mấy trong top 6 nền kinh tế lớn của Đông Nam Á? - Ảnh 2.

Theo số liệu của cơ quan thống kê các nước, GDP danh nghĩa năm 2021 của Indonesia dẫn đầu trong nhóm ASEAN-6, đạt 16.970 tỷ IDR, khoảng 1.184 tỷ USD.

Xếp thứ hai là Thái Lan với 16.200 tỷ Baht, tương đương với khoảng 506 tỷ USD. Philippines đứng thứ ba với 19.378 tỷ Peso, tương đương với khoảng 393 tỷ USD. Singapore với vị trí thứ 4 với 533 tỷ SGD, tương đương với khoảng 397 tỷ USD.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tài chính, GDP ước thực hiện của Việt Nam trong năm 2021 là 8.398.600 tỷ đồng, khoảng 368 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Giữ vị trí thứ 6 trong nhóm các nền kinh tế lớn của khu vực là Malaysia với 1.500 tỷ RM, khoảng 358 tỷ USD.

Phương Trang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.