|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

GDP quý II của Mỹ tăng 2,8%, mạnh mẽ hơn dự kiến

19:45 | 25/07/2024
Chia sẻ
Theo ước tính từ Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong quý II vừa qua.

 

Khách mua sắm đi qua một con phố ở California, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố cách đây ít phút cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng 2,8% trong quý II (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm).

Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự đoán GDP quý II chỉ tăng 2,1%. Trong ba tháng đầu năm, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,4%.

Chi tiêu tiêu dùng là động lực quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế trong ba tháng vừa qua. Bên cạnh đó, đầu tư vào hàng tồn kho và đầu tư cố định của doanh nghiệp tư nhân là hai động lực lớn khác.

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo chính trong báo cáo về hoạt động của người tiêu dùng, tăng 2,3% trong quý II, cao hơn mức 1,5% trong quý đầu năm. Cả chi tiêu cho dịch vụ và hàng hoá đều tăng mạnh.

Trong khi đó, nhập khẩu đi lên 6,9% trong quý II, đánh dấu mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ giai đoạn ba tháng đầu năm 2022.

Cũng theo báo cáo, nền kinh tế Mỹ ghi nhận một số tin tốt về lạm phát. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - tăng 2,6% trong quý II, giảm so với mức 3,4% trong quý I.

Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi tăng 2,9%. Kết quả này cũng đi xuống đáng kể so với mức 3,7% ghi nhận vào quý I.

Một thước đo quan trọng khác mà Fed coi là chỉ báo tốt về nhu cầu cơ bản của nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ 2,6% trong quý II, tương đương quý trước. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tiếp tục đi xuống. Từ mức 3,8% của quý I, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã lùi xuống còn 3,5% trong quý II.

Hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng cao hơn sau khi báo cáo được công bố, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc đi xuống.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8% trong quý II, mạnh hơn dự kiến của các chuyên gia.

Gần đây, bức tranh về người tiêu dùng Mỹ đã xuất hiện một vài dấu hiệu đáng ngại, theo hãng tin CNBC.

Một báo cáo do Fed chi nhánh Philadelphia công bố hôm 24/7 cho thấy dư nợ thẻ tín dụng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Dữ liệu được cơ quan này tổng hợp từ năm 2012.

Dư nợ quay vòng (revolving debt balances) cũng đạt mức cao mới ngay cả khi các ngân hàng báo cáo việc thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng và giảm phát hành thẻ mới.

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tiếp tục tăng, cho thấy người tiêu dùng vẫn xoay xở được trong môi trường lãi suất cao và lạm phát dai dẳng.

Bên cạnh người tiêu dùng, nền kinh tế Mỹ còn chịu áp lực từ thị trường nhà đất. Doanh số bán nhà đang đi xuống, trong khi giá nhà tiếp tục đi lên, gây áp lực cho những người mua nhà lần đầu.

Các quan chức Fed được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn trong cuộc họp chính sách tuần tới, trong khi thị trường dự đoán ngân hàng trung ương này sẽ hạ lãi suất lần đầu sau 4 năm vào tháng 9.

Giới chức Fed đang thận trọng về thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ, dù những bình luận gần đây cho thấy nhiều người đã sẵn sàng hạ lãi suất và khả năng tăng lãi suất trở lại là rất thấp.

Lãi suất quỹ liên bang đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt hiện tại vào tháng 3/2022 và lần gần nhất ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất là vào tháng 7/2023.

 

Yên Khê