|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GDP năm 2018 ước tăng 6,7%, triển vọng có thể đạt cao hơn

17:27 | 24/09/2018
Chia sẻ
Số liệu được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, diễn ra sáng 24/9.
gdp nam 2018 uoc tang 67 trien vong co the dat cao hon

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến sáng 24/9.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 6,7%, dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn. Quy mô nền kinh tế ước đạt 5,55 triệu tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD. Năm 2017, quy mô nền kinh tế đạt 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 220 tỷ USD.

Số liệu được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, diễn ra sáng 24/9.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT cung cấp thêm một số thông tin quan trọng khác về tình hình kinh tế vĩ mô. Theo đó, nợ công đang trong xu hướng giảm, từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018. Như vậy, với quy mô nền kinh tế ở mức 5,55 triệu tỷ đồng, nợ công của Việt Nam tính đến năm 2018 khoảng 3,41 triệu tỷ đồng.

Thu ngân sách Nhà nước năm nay ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và 5,5% so với 2017. Bội chi ngân sách khoảng 3,67%, vượt mức chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP. Giải ngân vốn FDI ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2017. Năm 2017, giải ngân vốn FDI đạt 17,5 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay. Bộ KH&ĐT cũng cho rằng xuất khẩu đang tiếp tục đà tăng trưởng.

Chỉ số vĩ mô khác là lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016 - 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân duy trì ở mức dưới 4%; thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh ưu tiên.

Bên cạnh những mặt tích cực, ông Phương cho rằng, kinh tế năm 2018 vẫn còn những tồn tại hạn chế. Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 và cơ cấu lại kinh tế chưa triệt để, tiến độ thực hiện chậm. Các hạn chế khác là mô hình tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ; xuất nhập khẩu dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

Việc quản lý tài nguyên và môi trường còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chống người thi hành công vụ... vẫn diễn ra phức tạp.

Nhìn vào bức tranh chung, Bộ KHĐT cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 20120 tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn gặp một số thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là từ bên ngoài do quy mô nền kinh tế còn hạn chế, độ mở nền kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động đan xen.

“Trong bối cảnh sức ép từ lãi suất đồng USD, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới, căng thẳng do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước”, đại diện Bộ KHĐT nhận định.

Trước đó, hồi đầu tháng 9, Bộ KH&ĐT cũng đã có báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó nêu rõ GDP dự kiến tăng khoảng 6,6-6,8% so với năm 2018; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4-5%.

Xem thêm

N.Khanh