|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

GAS tăng kịch trần khi giá dầu thế giới đi lên, xếp thứ 4 vốn hóa toàn thị trường

06:13 | 01/06/2022
Chia sẻ
GAS là một trong những cổ phiếu vốn hóa lớn hiếm hoi tăng giá trên 20% so với cuối năm 2021, giá trị thị trường hiện nay đạt gần 10 tỷ USD.

Phiên 31/5, chỉ số VN30 giảm 0,77% sau khi tăng trong hai phiên liên tiếp trước đó. Trong 30 cổ phiếu bluechip thành viên chỉ có duy nhất GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tăng kịch trần.

Kết phiên, GAS dừng ở 117.700 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 225.300 tỷ đồng, đứng thứ 4 sàn HOSE cũng như toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam. So với ngày cuối năm 2021, giá cổ phiếu GAS đã tăng 22,3%.

Tại ngày 31/12 năm ngoái, giá trị thị trường của GAS thua kém nhiều tên tuổi khác như HPG của Hòa Phát, MSN của Masan, hay BID của Ngân hàng BIDV, … Bảng thống kê dưới đây cho thấy, đến ngày 31/5, GAS chỉ còn kém ba đại gia là VCB của Vietcombank, VHM của Vinhomes và VIC của Vingroup.

PV GAS đứng thứ 4 về vốn hóa thị trường cuối phiên 31/5/2022.

Nhiều cổ phiếu khác trong ngành dầu khí cũng diễn biến khởi sắc như BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn, OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam, PVD của Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.

Nhóm dầu khí đi lên sau thông tin các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm nhập khẩu khoảng 90% lượng dầu thô từ Nga. Tuy nhiên sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa, vào đêm 31/5, tờ Wall Street Journal đưa tin Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) xem xét loại Nga khỏi các thỏa thuận về sản lượng dầu.

Hợp đồng tương lai dầu thô Brent giao tháng 8 giảm hơn 1% còn 116,3 USD/thùng. Giá dầu thô WTI cũng mất gần 2,2% và đóng cửa ở 115,1 USD/thùng.

Cổ phiếu năng lượng diễn biến tích cực đầu phiên nhưng sau đó trở thành nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500 ngày cuối tháng 5. Đại gia dầu khí Chevron mất 2%, ExxonMobil và Occidental Petroleum giảm tương ứng 1,6% và 2,2%.

Song Ngọc

Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Giai đoạn gần đây thị trường chứng kiến nhịp tăng giá luân phiên của cổ phiếu ngành ngân hàng và thép. Diễn biến này gợi nhớ câu chuyện bộ ba cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán thay nhau dẫn sóng giai đoạn 2021 - 2022. Liệu kịch bản này có lặp lại?