|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

‘Gạo Việt Nam nên học mô hình của Mỹ’

07:17 | 05/08/2019
Chia sẻ
Nông dân Mỹ không bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp thương mại và những công ty này cũng không cần có đất.

Có hàng chục năm lăn lộn trong nghề, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, chia sẻ thẳng thắn mọi góc nhìn trong ngành, vai trò của doanh nghiệp (DN), nông dân, thương lái và Nhà nước trong chuỗi giá trị gạo.

“Thương hiệu gạo Việt phải xây dựng từ việc kinh doanh chuẩn mực trong từng yếu tố và được hình thành trong một quá trình lâu dài” - ông Long nhấn mạnh.

Cần dựa vào nông dân, thương lái

. Phóng viên: Nhiều ý kiến nhận xét sở dĩ Việt Nam (VN) chủ yếu xuất khẩu gạo cấp thấp vì dễ trồng, sản lượng lớn, đáp ứng một phần nhu cầu người thu nhập trung bình thế giới. Vậy chúng ta có thể sản xuất được gạo chất lượng cao hơn không?

+ Ông Nguyễn Thanh Long: Hoàn toàn được chứ! Bằng chứng là hiện nay nông dân đã đa đạng giống lúa có chất lượng cao như OM 4218, OM 54541, Jasmine… Nghĩa là nông dân đã có tư duy nâng cấp chất lượng, không chạy theo số lượng như trước đây.

Tôi cũng khẳng định phẩm cấp gạo VN đã tốt hơn rất nhiều. Ngay cả những giống lúa phẩm cấp trung bình thì với công nghệ nông nghiệp VN hiện nay cũng giúp loại bỏ những hạt gạo bạc bụng, hư, vàng…

. Một DN như Gạo Việt có tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng vùng nguyên liệu để tạo nguồn cung ổn định và tốt hơn?

+ Thực tế các công ty có hỗ trợ, hợp tác với nông dân nhưng không nhiều nên cuối cùng vẫn phải trông cậy vào tầng lớp trung gian là thương lái. Tại sao các DN thương mại gạo phải phụ thuộc vào họ? Nó có hai lý do.

Thứ nhất, hiện nay chưa có khung pháp lý để đảm bảo DN có thể ràng buộc chặt chẽ với nông dân. Nguyên tắc bình thường là đặt cọc 10% trước vụ mùa, đến khi thu hoạch sẽ thanh toán đủ theo giá xác lập trước đó. Nhưng từ thời điểm đó đến khi thu hoạch là một bài toán nhức đầu về chất lượng và giá cả.

Chẳng hạn về chất lượng, nông dân chỉ cần cắt sớm trước 2-3 ngày hoặc ngày xịt thuốc là ảnh hưởng đến chất lượng gạo. DN thấy lúa xấu, không lấy thì mất cọc, giá lên nông dân bẻ kèo thì cũng chẳng làm gì được.

Vấn đề thứ hai là như DN của tôi một năm xuất khẩu 20.000-30.000 tấn gạo, vậy cần 60.000 tấn lúa. Cứ tính 1 ha có năng suất bình quân là 7 tấn lúa, như vậy phải có gần 10.000 ha để đáp ứng.

Ai có đủ nguồn đất này để đáp ứng? Điều này cho thấy không có DN nào đủ nguồn lực tiền bạc, hệ thống logistics, đất đai… để tự mình lo được nguyên liệu xuất khẩu. Tất cả chỉ có thể dựa vào thương lái.

. Nhưng lâu lâu lại nghe thông tin nông dân không bán được lúa gạo, thương lái không mua hay thương lái ép giá?

+ Không mua là không mua theo giá kỳ vọng thôi. Nếu thương lái không mua, thực tế nông dân vẫn có lời, đó là khoản đặt cọc 10% trước mùa vụ. Giả định thương lái và nông dân thỏa thuận giá bán là 3.800 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. 

Về nguyên tắc, thương lái phải đặt cọc 10% là 380 đồng. Đến khi thu hoạch giá xuống còn 3.400 đồng, thương lái mua sẽ lỗ nên bỏ cọc. Nông dân có bán với giá 3.400 đồng thì vẫn lời.

‘Gạo Việt Nam nên học mô hình của Mỹ’ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Long: "Chất lượng, uy tín chính là thương hiệu gạo Việt". Ảnh: QUANG HUY

Mô hình Mỹ cho gạo Việt được không?

. Vậy bài toán nào cho DN để có nguồn hàng xuất khẩu ổn định, nông dân tuân thủ cam kết và có lợi?

+ Thực ra cái này nói lâu rồi. Nhà nước đã có mô hình cánh đồng mẫu lớn. DN cũng có thể chủ động bằng cách thuê đất để làm nhưng phải đủ nguồn lực đầu tư. Nhưng ngay cả hai tổng công ty gạo lớn nhất VN cũng chưa đơn vị nào xây dựng được vùng nguyên liệu kiểu này.

Có một bài toán mà theo tôi có thể cân bằng hài hòa lợi ích các bên nếu tham khảo mô hình người Mỹ. Nông dân Mỹ không bán hàng trực tiếp cho DN thương mại và những công ty này cũng không có đất. Các nông dân tập hợp thành hợp tác xã và đơn vị này sẽ đại diện cho họ bán hàng cho DN.

Thị trường Trung Quốc rất khó lường

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho hay khoảng 60% lượng gạo xuất khẩu của công ty sang thị trường Đông Âu.

Thị trường này không quá khó tính, khả năng tiêu thụ tốt, thậm chí cạnh tranh được với gạo Thái vì giá gạo Việt đáp ứng nhu cầu của họ. Phần còn lại xuất khẩu sang một số nước châu Á như Philippines hay châu Phi.

Riêng Trung Quốc công ty không tham gia vì thị trường này khó lường. "Trước đây chúng tôi có bán hàng cho Trung Quốc, lúc giá cao thì không sao nhưng giá xuống là có chuyện ngay" - ông Long nêu lý do.

Ông cũng nhận định hiện nay VN và châu Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), điều này giúp cho DN Việt có thêm đầu ra.

Tuy nhiên, ngành gạo cũng không dễ ăn vì quá nhiều rào cản kỹ thuật. Một trong số đó là quy định chất tricyclazole trong gạo từ mức hiện hành 1 mg/kg xuống 0,01 mg/kg.

Về giá bán, họ lấy tham chiếu trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) cộng thêm một số khoản phí. Với cách làm này, giá minh bạch, nông dân luôn có lợi và DN luôn có nguồn hàng ổn định.

. Nhưng vấn đề là VN có lẽ còn lâu mới có thể tổ chức được sàn giao dịch hàng hóa nông sản như các nước trên thế giới. Bởi vậy, có thể nói thương lái đang định hình thị trường lúa gạo VN?

+ Đây là góc tiếp cận không đúng. Mình phải nhìn vai trò của thương lái giúp nối kết nông dân và DN, nên đừng bao giờ nghĩ họ có thể ép giá nông dân và qua đó bán kiếm lời.

Hàng chục năm làm trong nghề, tôi quan sát thấy số lượng thương lái bán ghe, bỏ lên bờ làm việc khác đầy rẫy. Mùa nào số lượng này cũng tăng lên chứ hiếm thấy thương lái đóng ghe mới.

Bởi thương lái cũng đối diện đầy rủi ro. Chẳng hạn, họ muốn mua được lúa cũng phải đặt cọc trước hai tháng. Họ cũng không chắc chắn về chất lượng, số lượng, đồng thời cũng chịu theo quy luật thị trường. 

Khi giá lúa lên, họ cũng dễ bị nông dân bẻ kèo. Nếu lúa mua về ra chất lượng gạo xấu, rớt tỉ lệ, thương lái cũng ăn đủ vì giá bán không đủ sở hụi… Nói thương lái có thể chi phối được thị trường là sai vì không một tầng lớp nào có thể điều tiết được nó.

. Ông suy nghĩ thế nào về câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo VN? Nhìn sang hạt gạo Thái Lan, VN học được gì?

+ Thái Lan không có thương hiệu gạo nhưng thế giới biết đến họ nhờ vào chất lượng gạo họ tốt, ổn định. Yếu tố này DN không tạo ra mà do người trồng, nhà nước quyết định. Nhưng DN Thái biết giữ uy tín khi bán buôn, giao hàng đúng hạn, chất lượng đúng cam kết, nhờ đó hình thành nên thương hiệu gạo Thái.

Như vậy, đừng có nghĩ lớn hay to tát quá với một thương hiệu gạo VN bao trùm. Mà trước hết, từng DN Việt hãy làm cho tốt mọi cam kết với khách hàng.

Bằng cách này, mỗi khi họ nghĩ đến mua gạo Việt là yên tâm về uy tín, chất lượng và dịch vụ. Đó là cách đóng góp tốt nhất cho việc xây dựng từng bước cho thương hiệu gạo VN.

. Xin cám ơn ông.

Giới trẻ không thích làm gạo.

. Làm nông nghiệp lâu rồi, ông thấy liệu có khả năng làm giàu tốt từ lĩnh vực này không?

+ Đủ ăn thì được, giàu thì không. Nguyên nhân, ngành gạo có tính rủi ro khá cao so với ngành nghề khác. Nhiều khi tính thấy lời nhưng thị trường biến động là trong chớp mắt gánh lỗ ngay. Nếu làm thử thống kê sẽ thấy số lượng các đơn vị mất đi trong ngành gạo và người mới nhảy ra làm gạo không tương đồng.

Hiện nay nhiều đại gia nhìn nhận thị trường nông nghiệp là mảnh đất màu mỡ nhưng gốc của họ xuất thân từ bất động sản, ngân hàng, tài chính… chứ không phải bắt đầu từ nông nghiệp. Có điều hiện họ vẫn phải dò dẫm từng bước trong ngành này và cuối cùng hiệu quả sẽ quyết định cho kết quả đầu tư.

photo-2

Nông dân trồng lúa đã thay đổi tập quán canh tác, gắn kết với doanh nghiệp lúa gạo để đáp ứng sự đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Ảnh: GIA TUỆ.

. Nếu nhìn theo cách này thì tại sao ông lại làm gạo trong khi làm nghề khác có lợi nhuận tốt hơn, ít rủi ro hơn?

+ Tôi có mối quan hệ và lăn lộn trong nghề đã hơn 30 năm, giống hầu hết những người làm trong ngành này từ trẻ và cứ thế duy trì. Những doanh nhân như tôi hầu hết đã trên 50 tuổi. Song hiện nay giới trẻ dứt khoát không làm gạo vì cực và tiếp cận các ngành khác ngon hơn. Như con tôi dứt khoát không theo nghề cha!

Thực ra tôi hiện vẫn sống được với ngành gạo là do quan điểm làm cái gì mình biết, biết cái gì mình làm. Điều này giúp tôi không ảo tưởng nhảy vào các ngành khác vì chỉ cần một cú sốc thị trường hay không kiểm soát được dòng vốn là rủi ro ngay, có khả năng nợ nần chồng chất, phá sản. Bài học của các đại gia nông nghiệp đầy trên thị trường cũng đã chứng minh cho điều tôi nói.

Phương Minh - Quang Huy (thực hiện)