Gạo vàng biến đổi gen và những cuộc tranh cãi nảy lửa ở Philippines
Gạo vàng biến đổi gen ép nông dân vào đường cùng
Theo Nikkei Asia, việc Philippines chấp thuận sản xuất thương mại gạo vàng đang vướng phải làn sóng chỉ trích trong bối cảnh cả thế giới lo ngại về tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen.
Bà Melanie Guavez, lãnh đạo liên minh chống thực phẩm biến đổi gen SIKWAL cho biết Camarines Sur, quê hương của bà là nơi trồng thử nghiệm lúa biến đổi gen vào năm 2013. Ngay tại thời điểm đó, hàng trăm nông dân đã nhổ bỏ lúa để các nhà chức tránh xem xét lại.
"Chính phủ không thông báo cho bất kỳ ai về những tác động tiêu cực mà gạo vàng biến đổi gen có thể gây ra với đất đai và sinh kế của nông dân.
Họ đánh trống lảng bằng cách cách chỉ nói ra một nửa sự thật, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ người dân về giống, thuốc trừ sâu… Nhưng thực chất, họ đang cố gắng loại bỏ các phương pháp canh tác truyền thống", bà Guavez nói.
Guavez nói rằng việc trồng lúa vàng GMO buộc nông dân phải lệ thuộc quá nhiều vào thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ trong khi những thứ này không phải ai cũng có đủ tiền mua.
Việc canh tác giống lúa mới có thể đẩy nông dân vào cảnh nợ nần, phải gán đất của mình cho các tập đoàn lớn để trang trải các khoản vay.
Bà Guavez lo ngại rằng chẳng bao lâu nữa vùng trồng lúa của Bicol sẽ bị các công ty thôn tính.
"Các doanh nghiệp lớn sẽ được lợi từ điều này, không phải nông dân. Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ hạt giống bản địa và đất đai của mình.
Chính phủ chưa từng hỏi nông dân có thực sự cần loại lúa, gạo được tạo ra trong phòng thí nghiệm? Thay vào đó, Chính phủ nên hỗ trợ các sáng kiến nông dân", bà Guavez nói.
Bà Guavez cho biết nhiều nhóm nông dân trong vùng đang lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình kêu gọi nhổ bỏ giống lúa vàng.
Cùng quan điểm, ông Giovanni Tapang, hiệu trưởng trường Đại học khoa học Philippines cho rằng tại sao đầu tư vào sản xuất lại chịu sự kiểm soát của các công ty đa quốc gia về hóa chất nông nghiệp.
"Những tuyên bố của các công ty công nghệ sinh học nông nghiệp chỉ nhấn mạnh việc cung cấp thực phẩm cho thế giới mà bỏ quên điều là phần lớn nông dân không có đất hoặc thiếu đất để duy trì cuộc sống cho cả gia đình", ông Tapang nói.
Bà Cathy Estavillo, nhân viên tại tổ chức cho người lao động Amihan, đồng thời thành viên của SIKWAL cho biết việc Chính phủ đưa gạo vàng GMO vao sản xuất thương mại tức là không quan tâm đến tâm tư của người dân, chỉ chạy theo xu thế toàn cầu hóa tân tự do, vốn không mang lại những điều tốt đẹp cho nông dân.
Hơn nữa, bà Estavillo cũng cho rằng trong nhiều năm qua các tập đoàn đa quốc gia cố gắng phát triển gạo GMO, tất cả cũng vì lợi nhuận và phát triển thị trường cho chính họ.
"Bạn sẽ cần ăn khoảng 4 kg gạo vàng để đáp ứng nhu cầu vitamin A trong khi một củ cà rốt có cùng hàm lượng vitamin A. Vậy tại sao không hỗ trợ cho việc sản xuất và phân phối các loại rau địa phương khác?
Bởi vì cây trồng GMO là "cỗ máy in tiền" và Chính phủ Philippines đang nghiêng về phe lợi nhuận".
Bà Estavillo nhận định dựa trên một nghiên cứu tại Australia.
Hiện, Amihan đang làm việc với các nhà lập pháp và các quan chức năng địa phương để đưa ra nghị quyết hoặc lệnh cấm trồng lúa vàng.
Gạo vàng an toàn và phù hợp với lối sống của người Philippines
Gạo vàng biến đổi gen (GMO) được trồng thử nghiệm vào năm 2013 dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu Lúa Philippines (PhilRice).
Theo Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), khoảng 1/5 trẻ em nghèo ở Philippines đang bị thiếu vitamin A và loại gạo này được đánh giá có thể hạn chế tình trạng thiếu vitamin A ở các quốc gia đang phát triển.
Trao đổi với Nikkei Asia, TS. Ordonio, Trưởng dự án gạo vàng GMO tại PhilRice cho biết dự án an toàn tuyệt đối và phù hợp với lối sống của người Philippines.
"Gạo là lương thực chính của người Philippines. Nó đã là một nguồn cung cấp carbohydrate tốt nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng khác.
Điều quan trọng là gạo vàng được dùng để bổ sung beta carotene trong chế độ ăn uống, chất sẽ được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể".
Một lần nữa, TS. Rey Ordonio khẳng định: "Chúng tôi chỉ đơn giản cung cấp lúa vàng như những giống lúa lai khác mà nông dân có thể chọn để trồng.
Chúng tôi phát triển giống lúa này vì mục đích nhân đạo và loại gạo này sẽ có giá hợp lý để nông dân và người tiêu dùng đều có thể tiếp cận".
Ông Ordonio cho biết gạo vàng GMO hoàn toàn an toàn dựa trên báo cáo năm 2016 của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ, khi khảo sát gần 900 nghiên cứu và ấn phẩm chứng minh rằng cây trồng biến đổi gen không nguy hiểm.