Gạo Thái kém hấp dẫn trong mắt các nhà nhập khẩu
Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng trong tuần này vì đồng rupee mạnh hơn, ngay cả khi nhu cầu duy trì ảm đạm trong khi các thương nhân Thái Lan gặp khó khăn với việc thị trường quốc tế không mấy quan tâm tới gạo Thái vì giá cao.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ tăng từ mức 383 - 386 USD/tấn trong tuần trước lên 386 - 389 USD/tấn vào tuần này.
"Đồng rupee tăng buộc chúng tôi phải nâng giá. Nhu cầu đang ảm đạm", một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, phía nam bang Andhra Pradesh, Ấn Độ cho biết.
Rupee đang dao dịch gần mức cao nhất trong hơn hai tháng, làm giảm lợi nhuận từ việc bán hàng ra quốc tế của các thương nhân tại quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Ảnh: Reuters.
Tại Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, giá gạo 5% tấm ghi nhận ở mức 380 - 385 USD/tấn (tính theo FOB), hầu như không thay đổi so với mức 380 - 390 USD/tấn của tuần trước.
Nhu cầu vẫn yếu và giá biến động vì tỉ giá hối duối giữa đồng baht và USD, các thương nhân cho biết.
"Giá gạo địa phương tăng nhẹ trong tuần này nhưng vì đồng baht suy yếu, giá xuất khẩu duy trì gần như không đổi", một thương nhân gạo có trụ sở tại Bangkok cho hay.
Tuy nhiên, sự gia tăng của dồng baht trong vài tháng qua đã ngăn giá gạo địa phương giảm, theo đó làm nhu cầu đối với gạo Thái suy yếu trên thị trường quốc tế, một thương nhân khác nói. Giá gạo địa phương tăng đồng nghĩa với việc chi phí thu mua của các nhà xuất khẩu đi lên.
Thị trường cũng ghi nhận sự xuất hiện của nguồn cung mới, dù vẫn chưa ảnh hưởng tới giá xuất khẩu, theo Reuters.
Trong khi đó, tại Bangladesh, sản lượng gạo mùa mưa hay vụ mùa Aman ước đạt 14 triệu tấn trong năm nay, tăng so với mức 13,5 triệu tấn hồi năm ngoái vì thời tiết thuận lợi, ông Mizanur Rahman, một cán bộ cấp cao của Bộ Phát triển Nông nghiệp Bangladesh, cho biết hôm 14/3.
Aman là vụ gạo lớn thứ hai sau vụ lúa mùa hè - Boro, và được gieo cấy trong giai đoạn tháng 12 - tháng 1, và chiếm khoảng 38% tổng sản lượng gạo của Bangladesh, tương đương 35 triệu tấn.
Quốc gia Nam Á, vốn nổi lên là nhà xuất khẩu lớn trong năm 2017 sau khi lũ lụt tàn phá mùa vụ, đã áp thuế 28% để hỗ trợ người nông dân sau khi sản xuất phục hồi vào 2018.