Gần 300 tỷ đồng của khách hàng bốc hơi: Quy trình kiểm soát của VietABank có vấn đề?
Thanh khoản VietABank vẫn bình thường, Ngân hàng Nhà nước phát cảnh báo toàn hệ thống | |
VietABank khẳng định không phát hành hợp đồng tiền gửi cho khách hàng trong vụ 'bốc hơi' 170 tỉ đồng |
Thêm nạn nhân “bốc hơi” 100 tỷ, ngân hàng vẫn né tránh
Trong khi vụ việc khách hàng tố mất 20 tỷ và 170 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Đông Đô, Ngân hàng VietABank (Lê Văn Lương, Hà Nội) chưa lắng lại thì tuần qua, tmột khách hàng nữa của VietABank cho hay, thêm 100 tỷ đồng mà khách hàng này gửi vào ngân hàng Việt Á đã "bốc hơi".
Cụ thể, theo khách hàng P.T.T, bà đã cùng hai đồng sở hữu khác 2 lần chuyển tiền vào VietABank (Phòng giao dịch Đông Đô- Hà Nội) số tiền 100 tỷ đồng. Trong đó, số tiền của riêng bà P.T.T là 70 tỷ đồng. Cuối tháng 12/2018, khi cả hai khoản tiền gửi đều đã quá hạn, bà T đến rút tiền nhưng ngân hàng không trả tiền. Trưởng phòng giao dịch VieABank Đông Đô cho biết, khoản tiền gửi của bà đã được chuyển thành sổ tiết kiệm và đã được chính bà cầm cố để vay số tiền tương đương. Tuy nhiên, bà P.T.T khẳng định chưa hề ký hồ sơ vay vốn này, thậm chí bà P.T.T chưa từng quay lại ngân hàng sau khi ký hợp đồng gửi tiền, vì vậy chữ ký trên hồ sơ vay hoàn toàn là giả. Cho đến nay, dù nhiều lần đề nghị gặp lãnh đạo ngân hàng VietABank để giải quyết song bà P.T.T vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Như vậy, trường hợp khách hàng mất 100 tỷ tại VietABank Đông Đô khá giống với nhóm khách hàng mất 170 tỷ trước đó, cũng tại chính phòng giao dịch của ngân hàng này.
Cụ thể, trước đó, khách hàng Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh có đơn kêu cứu tới báo chí về việc mất 170 tỷ đồng tiền gửi tại VietABank. Theo đó, nhóm khách hàng trên cho biết đã gửi tiền vào VietABank đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành (đã bị Công an Hà Nội bắt giữ) và một số cá nhân khác nhưng quá hạn cũng không thể rút ra. Phía ngân hàng cho biết, các Hợp đồng tiền gửi của ông Cường, bà Trinh đã được cầm cố vay vốn với khoản tiền vay tương đương tiền gửi.
Trước đó, khách hàng Đặng Nghĩa Toàn (Hà Nội) cũng kêu cứu với báo chí và phản ánh: Ông Toàn đã gửi tiết kiệm 20 tỷ đồng vào VietABank (giao cho Nguyễn Thị Hà Thành giữ vì hai bên có mối quan hệ làm ăn), sau đó ông được biết sổ tiết kiệm này được Hà Thành sử dụng để cầm cố vay tiền nên đã đến ngân hàng để khiếu nại. Khi đó, VietABank cam kết nếu chữ ký trong hợp đồng vay tiền là giả thì sẽ hoàn trả sổ tiết kiệm cho ông Toàn để ông Toàn rút tiền ra. Tuy nhiên, sau khi Cơ quan an ninh điều tra TP Hà Nội giám định chữ ký và khẳng định chữ ký, chữ viết dòng họ tên trên hợp đồng vay vốn và hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm của ông Toàn là giả mạo thì VietABank lại từ chối trả tiền cho ông Toàn.
Như vậy, cả ba trường hợp khách hàng gửi tiền vào VietABank đều có chung “cảnh ngộ” là: tài khoản tiền gửi đột nhiên bị biến thành khoản vay với tiền tương đương nhau.
Trong thông cáo gửi tới báo chí ngày 4/1 về nhóm khách hàng tố mất 170 tỷ, phía VietABank cho rằng, nhóm khách hàng trên có các giao dịch bất thường và liên quan đến đối tượng Nguyễn Thị Hà Thành (đối tượng đã bị Công an TP.Hà Nội khởi tố bị can và bắt tạm giam). Hiện Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Việt Á và một số ngân hàng tại Hà Nội, ngân hàng sẽ thông báo khi có kết quả điều tra.
Quy trình chặt, cán bộ “sạch”, ngân hàng khó bị lừa
Cho đến nay, trong khi đợi kết quả điều tra từ công an Hà Nội, hai bên vẫn đang rất căng thẳng. Phía ngân hàng nghi ngờ khách hàng khuất tất, trong khi đó khách hàng lại nghi ngờ nhân viên VietABank cấu kết với đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tiền gửi.
Theo các luật sư, nếu như khách hàng cố tình lừa đảo nhưng nhân viên ngân hàng làm đúng quy trình, khả năng bị khách hàng qua mặt khó xảy ra.
Chính vì thế, trong khi chờ kết luận của cơ quan điều tra, khách hàng không thể không đặt câu hỏi về tính hiệu quả trong quy trình kiểm soát rủi ro của VietABank.
Thứ nhất, trong ba trường hợp khách hàng bị mất tiền nói trên, ngoại trừ khách hàng Đặng Nghĩa Toàn là có sổ tiết kiệm, còn nhóm khách hàng Triệu Hùng Cường - Triệu Thị Tuyết Trinh (gửi 170 tỷ) và nhóm khách hàng P.T.T gửi tiền vào VietABank dưới hình thức Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn.
Đây là điều cần đặt câu hỏi, bởi theo quy định, với khách hàng cá nhân, ngân hàng chỉ phát hành sổ tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi. Ngân hàng chỉ phát hành hợp đồng tiền gửi cho cho khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp. Chính vì hợp đồng khác mẫu thông thường này nên phía VietABank đã lấy đây làm lý do từ chối giải quyết cho khách hàng.
Sự thực hiển nhiển là Hợp đồng tiền gửi này có chữ ký của Giám đốc phòng giao dịch VietABank Đông Đô và các nhân viên giao dịch, có con dấu của ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là, nếu giám định được chữ ký của nhân viên, giám đốc phòng giao dịch và con dấu là thật, thì việc phát hành sai mẫu này là do cán bộ ngân hàng vô tình hay cố ý? Và trong trường hợp con dấu, chữ ký là thật, ngay cả khi phát hành sai mẫu, ngân hàng lẽ nào có thể chối bỏ trách nhiệm của mình?
Thứ hai, thông thường, khi gửi tiết kiệm, tất toán sổ tiết kiệm hay khi tiến hành ký kết hợp đồng vay vốn, khách hàng đều nhận được thông báo của ngân hàng. Tuy nhiên, cả ba nhóm khách hàng tố mất tiền nói trên đều cho cho hay: khi gửi tiền vào ngân hàng họ nhận được tin nhắn thông báo, song khi khoản tiền gửi bị tất toán hoặc bị chuyển sang sổ tiết kiệm hoặc bị cầm cố, khi hợp đồng vay được ký kết, họ không hề nhận được bất kỳ tin nhắn thông báo nào. Việc tin nhắn SMS Banking bị tắt vào đúng thời điểm “nhạy cảm” là do đâu?
Thứ ba, tại sao chủ sổ tiết kiệm không có mặt mà cá nhân khác vẫn có thể lấy sổ để giả chữ ký, thế chấp vay vốn (trường hợp khách hàng Đặng Nghĩa Toàn). Tại sao Hợp đồng tiền gửi lại bị “hô biến” thành sổ tiết kiệm (với nhóm khách hàng gửi 170 tỷ và 100 tỷ) để rồi sau đó số sổ này được sử dụng để cầm cố vay vốn mà chủ của tài khoản tiền gửi không hề hay biết?
Thứ tư, nếu trường hợp khách hàng cố tình gian lận, lừa đảo là thật, thì chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt giao dịch tương tự và bất thường diễn ra (gửi tiền – chuyển thành sổ tiết kiệm – cầm cố vay vốn), cùng liên quan đến một nhóm đối tượng, với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng… lẽ nào ngân hàng không nghi ngờ, không phát hiện dấu hiệu bất thường?
Liên quan đến vụ việc, theo thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội, ngoài Nguyễn Thị Hà Thành, một nhân viên của VietABank cũng bị khởi tố nhưng được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ.
Trong thông cáo phát đi vừa qua, VietABank cũng cho biết đã kiến nghị cơ quan Công an xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng câu kết, móc nối với nhân viên thiếu phẩm chất của ngân hàng, kịp thời ngăn chặn không để số đối tượng xấu lợi dụng hoạt động tín dụng của Nhà nước vi phạm pháp luật.