|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gần 2.000 tổ chức, cá nhân kí đơn xin chính sách khoan hồng đặc biệt cho ông Phạm Nhật Vũ

16:56 | 23/12/2019
Chia sẻ
Theo nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, ông có 10 tình tiết giảm nhẹ theo qui định của pháp luật, gần 2.000 tổ chức, cá nhân kí đơn gửi tới Tòa xin cho bị cáo Vũ được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt cao nhất… Luật sư đề nghị HĐXX xem xét, miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Vũ.
Gần 2.000 tổ chức, cá nhân kí đơn xin chính sách khoan hồng đặc biệt cho ông Phạm Nhật Vũ - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa.

Ngày 23/12, phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG tiếp tục diễn ra với phần tranh luận. Do sức khỏe yếu, đang phải nằm viện, bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HĐTV AVG) đã có đơn gửi tới Tòa. Trong đơn, ông Vũ xin giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và tại tòa.

Bào chữa cho bị cáo Vũ, các luật sư cho biết đến nay ông Phạm Nhật Vũ không có ý kiến về tội danh bị truy tố. Ông Vũ mong Toà xem xét chứng cứ khách quan thể hiện khởi đầu ông Vũ mong muốn và xin phép bán AVG cho đối tác nước ngoài. 

Sau đó do yêu cầu về mặt quản lý Nhà nước và nhu cầu kinh doanh, Mobifone đã chủ động đề xuất, đàm phán với ông Phạm Nhật Vũ để mua cổ phần của AVG.

“Ngay khi dư luận dị nghị về việc giá mua bán cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, mặc dù chưa cơ quan Nhà nước nào xác định ông Vũ có sai phạm gì, cũng không yêu cầu ông Vũ khắc phục gì, chưa khởi tố vụ án… song ông Phạm Nhật Vũ đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm (đến nay vẫn còn nợ khoảng 1000 tỷ) chủ động đề xuất xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần”, luật sư nói.

Tiếp lời, luật sư cho biết thậm chí để đảm bảo Nhà nước không bị bất cứ thiệt hại, tổn thất gì, ông Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh khác mà Mobifone đã chi phí cho việc mua bán với số tiền lên đến hơn 329 tỷ đồng.

Khi biết trong kho của Mobifone còn tồn đọng khoảng 120 tỷ đồng tiền thiết bị, vật tư tồn kho mà Mobifone đã đầu tư mua sắm sau khi đã nhận chuyển nhượng, ông Vũ đã hỗ trợ mua lại hết số thiết bị, vật tư này. Việc này ông Vũ muốn đảm bảo triệt để không để xảy ra bất cứ tác hại nào dù nhỏ nhất cho Nhà nước.

“Các chứng cứ trên đã chứng minh bản chất thân chủ chúng tôi không hề có chủ đích, không sắp đặt, không trù tính, mong muốn làm thất thoát tài sản Nhà nước và đã nhất tâm, trách nhiệm, ăn năn hối cải khi chấp nhận khó khăn về mình, kể cả vay nợ để khắc phục triệt để mọi thiệt hại, tác hại có thể xảy ra cho Nhà nước”, luật sư bảo vệ cho bị cáo Vũ nói.

Cũng theo lời luật sư, ông Vũ có tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh dám đối mặt với sự thật, sẵn sàng chịu trách nhiệm, tận tâm khắc phục triệt để các hậu quả. 

Bởi bản thân ông Vũ hoàn toàn có điều kiện không trở về Việt Nam để trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, song ông Phạm Nhật Vũ vẫn quyết định chọn về Việt Nam để đối mặt và chủ động nhận trách nhiệm, tìm mọi cách khắc phục triệt để mọi thiệt hại cho Nhà nước.

Sau một hồi phân tích, luật sư đưa ra 10 tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX áp dụng cho thân chủ của mình: Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả; Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Người phạm tội đã lập công chuộc tội…

Cũng theo lời luật sư bào chưa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, có gần 2.000 tổ chức, cá nhân ký tên xin bảo lãnh, khoan hồng cho ông Vũ. Đó là những nhân sỹ trí thức: bác sỹ, kỹ sư… Sau đó, nhóm luật sư bào chữa cho ông Vũ đề nghị HĐXX xem xét, cho bị cáo Vũ được hưởng sự khoan hồng cao nhất, được miễn trách nhiệm hình sự.

Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc

Hồng Mây

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.