Ông Lê Nam Trà khai bị động khi nhận hối lộ
Ngày 23-4, cựu bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son hầu tòa trong phiên xử phúc thẩm vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG gây thiệt hại 6.600 tỉ đồng. Ông Nguyễn Bắc Son cùng tám bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Phiên tòa dự kiến mở vào ngày 13-4, song phải lùi lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tại tòa, các bị cáo cùng người tham gia tố tụng đều đeo khẩu trang, ngồi cách nhau 2 m.
Ông Son vẫn chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu
Từ lúc được cảnh sát dẫn giải đến phòng xử án, ông Son luôn cúi mặt và được ngồi ghế tựa lưng giống cựu chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà. HĐXX phúc thẩm chỉ định một luật sư khác bào chữa cho ông Son vì người bào chữa trước đây vắng mặt không lý do, tòa không liên lạc được.
Là người đầu tiên được xét hỏi, ông Son cho biết sức khỏe của ông gần đây rất yếu, thường xuyên phải có sự chăm sóc của bác sĩ và xin giảm nhẹ hình phạt. Ông bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân về hai tội nhận hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo ông Son, đây là vụ án hy hữu, số tiền thiệt hại đặc biệt lớn (hơn 6.600 tỉ đồng), tuy nhiên toàn bộ hậu quả đã được khắc phục. Ông mong HĐXX cho ông được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như đã ngăn cản hành vi phạm tội, cố gắng đôn đốc khắc phục hậu quả.
Ông Son khai thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG có nhiều sai phạm, vì vậy Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc trong thời gian khá dài (từ năm 2016 đến 2018).
Khi vụ việc bị phanh phui, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn biết được nhiều ý kiến bàn tán trái chiều về dự án. Đầu năm 2018, ông đã gọi điện thoại cho cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, nói hủy được hợp đồng là tốt nhất. Tuy nhiên, vụ án vẫn bị khởi tố, điều tra vào cuối năm.
“Ai là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án này?” - chủ tọa hỏi. Đáp lại, ông Son cho biết đã nhiều đêm suy nghĩ đến mức không ngủ được. Ông nhận thấy trách nhiệm của mình rất lớn, là người đứng đầu chỉ đạo lập và thực hiện dự án.
Ông cũng thừa nhận đã định hướng cho MobiFone mua cổ phần AVG và phê duyệt bản ghi nhớ. Về việc đưa thương vụ này vào danh mục mật, ông Son cho biết đã căn cứ vào công văn hướng dẫn của Bộ Công an gửi Bộ TT&TT. Văn bản này đề nghị trong quá trình xử lý thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG không được tuyên truyền rộng để tránh gây hiểu nhầm.
Chủ tọa hỏi tiếp: “Bị cáo có biết dự án này thuộc thẩm quyền của ai không?”. Ông Son đáp ban đầu ông không biết đây là dự án thuộc nhóm A, phải do Thủ tướng phê duyệt, cho đến khi được cấp dưới báo. Ông thừa nhận đã ký quyết định phê duyệt dự án khi chưa được Thủ tướng chấp thuận.
Về việc MobiFone chưa thanh toán nốt 5% hợp đồng cho AVG, ông Son cho hay chỉ khi nghỉ hưu mới biết việc này và đoán nguyên nhân do chưa hoàn tất các thủ tục.
Tại tòa, ông Son cũng xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội nhận hối lộ và thừa nhận đây là hành vi rất xấu, bị xã hội lên án. “Bị cáo thành khẩn nhận trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm này” - ông Son nói.
Các cựu lãnh đạo MobiFone xin án treo
Ông Lê Nam Trà kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về cả hai tội nhận hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo khai từ đầu đã xác định dự án thuộc về thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng và mọi việc làm của MobiFone đều theo chỉ đạo xuyên suốt của Bộ TT&TT. MobiFone phải chấp hành mọi sự chỉ đạo của bộ này.
Về tội nhận hối lộ, ông Trà nói hoàn toàn bị động khi không bàn bạc, thỏa thuận từ trước mà cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ tự mang tiền đến. Tuy nhiên, nhận thấy việc nhận tiền là sai, ông đã chủ động khai báo trước khi bị khởi tố và nộp lại toàn bộ 2,5 triệu USD (hơn 55 tỉ đồng).
Tại tòa, các bị cáo nguyên là lãnh đạo MobiFone đều kháng cáo xin được hưởng án treo. Đáng chú ý, cựu phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Đăng Nguyên trình bày bảy lý do để xin được xem xét miễn hình phạt hoặc hưởng án treo.
Bị cáo cho biết mình được 23 tổ chức, 1.500 cá nhân ký xin miễn giảm hình phạt và là người có nhiều thành tích trong công tác.
Bị cáo Nguyên cho rằng tòa sơ thẩm chưa đánh giá hết công lao, ý nghĩa của việc ông từ chối thanh toán 5% giá trị hợp đồng. Ông cho rằng từ sự từ chối này mà hợp đồng có thể bị thay thế, nghĩa vụ các bên chưa hoàn thành.
Đây là cơ sở pháp lý để sau này các bên có thể tự hủy hợp đồng. Trường hợp các cổ đông không tự hủy hợp đồng thì với việc chưa hoàn thành nghĩa vụ pháp lý giữa các bên, Nhà nước có thể đơn phương hủy hợp đồng này. “Khi bị cáo từ chối thanh toán 5%, Thanh tra Chính phủ chưa vào làm việc về sai phạm của MobiFone” - ông Nguyên nói.
Ngoài ra, trong các cuộc họp mà bị cáo tham gia, ông đều không đồng thuận, kiến nghị nhiều lần phương án xác đáng với dự án nhưng không được tiếp thu. Bản án sơ thẩm có kết luận ông biết rõ hiện trạng AVG vào năm 2015 nhưng thực tế bị cáo không biết vì không được tiếp cận hồ sơ.
Ông Nguyên cũng cho rằng mình có vai trò rất mờ nhạt trong dự án này. “Kết luận điều tra nêu bị cáo được giao nhiệm vụ tổng hợp dự án nhưng thực tế bị cáo không tham gia” - ông Nguyên nói. Ông cũng lý giải do ông không có đủ thông tin, chuyên môn về dự án…
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.
Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn không kháng cáo
Sau khi xử sơ thẩm, các bị cáo Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn và Phạm Đình Trọng không kháng cáo. Trong chín người kháng cáo, ông Son và ông Trà bị truy tố về hai tội (ông Son bị phạt tù chung thân, ông Trà 23 năm tù).
Bảy người còn lại bị xét xử về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, cựu thành viên HĐTV Phan Thị Hoa Mai, cựu phó tổng giám đốc MobiFone Hồ Tuấn, cựu phó tổng giám đốc MobiFone Phạm Thị Phương Anh, cựu phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Mạnh Hùng, cựu phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Bảo Long mỗi người nhận mức án hai năm sáu tháng tù. Cựu phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Đăng Nguyên bị phạt hai năm tù, giám đốc chi nhánh phía Bắc của AMAX Hoàng Duy Quang ba năm tù.