|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Gần 100% số phiếu có quyền biểu quyết Giầy Thượng Đình đồng ý việc rút khỏi 'đất vàng' 227 Nguyễn Trãi

16:55 | 31/07/2019
Chia sẻ
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 của Giầy Thượng Đình, có 49/57 phiếu hợp lệ đồng ý việc di dời nhà máy khỏi khu đất "vàng" 227 Nguyễn Trãi, tương đương 8.524.967 cổ phần, chiếm 99,54% số phiếu có quyền biểu quyết tại ĐH.
giay-thuong-dinh-1560919015592-15610203375631139062837

Tình hình sản xuất kinh doanh của Giầy Thượng Đình đang gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình (Mã: GTD) vừa công bố biên bản Họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. 

Theo đó, một trong những nội dung chính của cuộc họp là biểu quyết thông qua việc chốt danh sách lao động và dừng sản xuất tại nhà máy 227 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) để di dời sản xuất về khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam).

Sau khi biểu quyết, có 49/57 phiếu hợp lệ đồng ý việc di dời nhà máy, tương đương với 8.524.967 cổ phần, chiếm 99,54% số phiếu có quyền biểu quyết tại Đại hội. Có 7 phiếu không đồng ý, tương đương với 16.500 cổ phần và duy nhất 1 phiếu có ý kiến khác, tương đương 800 cổ phần.

Trước đó, theo tài liệu phục vụ họp ĐHĐCĐ thường niên 2019, doanh thu thuần năm 2018 của GTD đạt 174,28 tỉ đồng, giảm gần 12% so với kết quả đạt được năm 2017. Doanh thu không đủ bù chi phí, khiến GTD tiếp tục lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 16,9 tỉ đồng, lỗ ròng xấp xỉ 17 tỉ đồng. 

Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp GTD công bố việc kinh doanh thua lỗ sau khi cổ phần hoá.

Báo cáo giải trình của GTD giải thích, sau cổ phần hoá, GDT vẫn gặp khó với tình trạng chi phí chung bình quân cho một sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các nhà cung cấp giày ở Việt Nam và Trung Quốc. Chi phí chung đưa hết vào thì giá quá cao khó có thể chào hàng được.

Theo GDT, việc thoái vốn nhà nước, kế hoạch di dời không rõ ràng làm khó cho việc hoạch định sản xuất kinh doanh, khách hàng không có kế hoạch làm ăn lâu dài. Theo lộ trình thì GTD có kế hoạch sẽ thoái vốn trong năm 2017 và 2018, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thoái vốn được.

Về kế hoạch di dời khi cổ phần hoá, trên bản cáo bạch là hết năm 2018 cơ sở sản xuất tại 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) sẽ được di dời xuống Hà Nam, nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Nguyên nhân GTD muốn di dời nhà máy là do việc sản xuất tại địa điểm này rất bất lợi, chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế, đặc biệt là chi phí thuê đất và chi phí khấu hao.

Theo đánh giá của Ban Tổng giám đốc Giày Thượng Đình, năm 2018 là năm sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp này.

Giầy Thượng Đình là một trong những thương hiệu Việt lâu đời nhất tại Việt Nam. Theo tìm hiểu, tiền thân của công ty này là Xí nghiệp X30 thuộc Cục quân nhu - Tổng cục hậu cần - Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập vào tháng 1/1957. Năm 1978, công ty có tên Xí nghiệp giày vải Thượng Đình và đến năm 1993 mới chính thức mang tên Công ty giầy Thượng Đình.

Tháng 7/2004, Công ty giầy Thượng Đình thành lập thêm nhà máy Giầy da xuất khẩu Hà Nam tại khu công nghiệp Đồng Văn - Hà Nam. Từ tháng 8/2005, Công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên giầy Thượng Đình, trực thuộc UBND thành phố Hà Nội.

Đến tháng 06/2011, công ty chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên Giầy thượng Đình. Từ tháng 07/2016 đến nay, công ty chuyển đổi thành công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình.

Tính đến nay, Thượng Đình đã có 62 năm hoạt động và cung cấp các sản phẩm giày cho thị trường Việt. Công ty này cũng từng rất thành công trong việc xuất khẩu, đạt được nhiều thành tích do Nhà nước trao tặng và người tiêu dùng bình chọn. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn vì dây chuyền sản xuất cũ và không kịp thay đổi theo thị hiếu người dùng khiến thương hiệu này đã không còn được nhiều người ưa chuộng như trước đây.

Thu Hà