|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giày Thượng Đình và cơ hội từ 'đất vàng'

10:05 | 17/01/2017
Chia sẻ
Nhiều công ty nhà nước đang cổ phần hóa và thu hút các nhà đầu tư nhờ sở hữu nhiều vị trí “đất vàng”.

Nhiều năm nay, công ty Giầy Thượng Đình (GTD) gần như vắng bóng trên thị trường, nhưng gần đây cổ phiếu của công ty này được nhiều nàh đầu tư để ý và mua với giá cao. Đã đi qua thời hoàng kim từ lâu, GTD còn gì để hấp dẫn?

Vang bóng một thời

Kinh doanh mảng giày giảm sút, nhưng khi đưa 1,9 triệu cổ phần ra công chúng với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu, GTD gây bất ngờ vì có tới 32 nhà đầu tư quan tâm với khối lượng đặt mua lên đến 22,1 triệu cổ phần, cao gấp 12 lần lượng cổ phần mang ra chào bán. Kết thúc phiên đấu giá, GTD đã mang về hơn 91 tỉ đồng với giá trúng thầu cao nhất 51.000 đồng và thấp nhất 44.000 đồng. Đến cuối 2016, cổ phiếu của công ty này lên sàn UpCom với giá 44.000 đồng/cổ phiếu, với 9,3 triệu cổ phiếu và giá trị vốn hoá 410 tỉ đồng.

Dù đạt mục tiêu đề ra nhưng chắc hẳn lãnh đạo GTD cũng không hẳn quá vui mừng. Bởi lẽ, theo công bố của GTD, công ty này dự kiến mức lợi nhuận sẽ đạt được chỉ là 4 tỉ đồng năm 2016 và 6,7 tỉ đồng năm 2017 trên vốn điều lệ 93 tỉ đồng. Chắc chắn nhà đầu tư sẽ không có lợi gì trong thương vụ này khi phải bỏ ra hơn 91 tỉ đồng để mua cổ phiếu. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của GTD không có tăng trưởng nhiều trong vài năm gần đây, mặc dù xuất phát điểm trước đó thương hiệu này khá nổi tiếng tại thị trường miền Bắc, miền Trung.

Công ty được thành lập từ năm 1957 với mục đích ban đầu sản xuất mũ cứng và dép cao su cho bộ đội. Trải qua nhiều lần sáp nhập với các công ty sản xuất giày, đến năm 1978, tên “Giày vải Thượng Đình” chính thức được gọi sau khi sáp nhập thêm Xí nghiệp Giày vải Thượng Đình và bắt đầu chuyên sâu về sản xuất giày vải, giày thể thao và dép các loại. Thập niên những năm 80, GTD trở thành đôi giày không thể thiếu trong mỗi gia đình thời bao cấp.

Thành công tại thị trường trong nước, GTD bắt đầu xuất khẩu với lô hàng đầu tiên được sang thị trường Pháp, Đức vào tháng 9.1992. Thời hoàng kim của Công ty vẫn còn kéo dài đến thời điểm Hiệp định Mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA) có hiệu lực vào năm 2003. Sau một tháng hiệp định này có hiệu lực, mặt hàng giày dép của Thái Lan và một số nước lân cận đã xuất hiện khá nhiều tại thị trường Việt Nam, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với GTD về chất lượng, mẫu mã, giá... Thời điểm đó, GTD cạnh tranh được với đối thủ vì tận dụng được nguồn nguyện liệu trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng nhanh, đạt 4,6 triệu USD vào 2005 và lên đến 5,4 triệu USD vào 2006. Thậm chí, nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, Nam Phi, Peru, Mexico... cũng tăng nhanh theo xu hướng không có hạn ngạch. Thị trường xuất khẩu chính của châu Âu vẫn chủ yếu với tỉ lệ 80%, còn lại là là các thị trường như Mexico, Mỹ, Úc, Nhật và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

giay thuong dinh va co hoi tu dat vang

Thương hiệu Giày Thượng Đình chỉ còn thị phần trong phân khúc giá rẻ. Ảnh: cafef.vn

Chỉ đến khi có sự thâm nhập của thương hiệu lớn như Nike, Adidas... thì những đôi giày GTD mới vắng bóng tại các cửa hàng. Các hoạt động của Công ty cũng gặp nhiều khó khăn khi doanh thu vẫn đạt vài trăm tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ loanh quanh ngưỡng 1 tỉ đồng những năm gần đây. Thực tế, sản phẩm của GTD hiện đã có mặt tại miền Nam và được sử dụng nhiều trong các môn thể thao, leo núi, bảo hộ lao động và một phần rất ít sử dụng trong thời trang... Tuy nhiên, thị phần của Công ty giảm dần, khoảng 20% thị phần nội địa.

Cơ hội từ đất

Trong ngành da giày, sản phẩm của GTD ngày càng ít dần trên thị trường vì không thể cạnh tranh với các đối thủ ngoại trong mẫu mã dù chất lượng lượng bền và giá rẻ hơn. Trong khi thị trường xuất khẩu cũng không còn là điểm mạnh của GTD vì sản lượng không nhiều. Hiện Công ty Giày Thái Bình, Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng… mới thật sự là những chủ lực trong xuất khẩu giày của Việt Nam. Thêm vào đó, GTD đang phải vay nợ ngắn hạn hơn 43 tỉ đồng/93 tỉ đồng vốn điều lệ, chiếm hơn 43% nợ phải trả và vay dài hạn chỉ hơn 465 triệu đồng.

Vốn là công ty nhà nước nên GTD hiện đang có lợi thế về quỹ đất và đây là lý do chính tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu của công ty này. GTD đang sở hữu khá nhiều vị trí đất đẹp, trong đó có phần diện tích nhà xưởng hiện đang nằm ở vị trí đắc địa với diện tích hơn 36.100m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là phần đất có diện tích lớn, vị trí đẹp, nên hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản. Theo thông tin quy hoạch tại Hà Nội thì có thể đến năm 2019, GTD sẽ phải di dời ra ngoại thành thì việc định giá của mảnh đất này sẽ là điều nhà đầu tư quan tâm. Đây sẽ là một khoản đầu tư dài hạn hứa hẹn lợi nhuận cao. Ngoài ra, còn phải kể đến khu đất trên phố Hạ Đình (Thanh Xuân) và khu đất trên tuyến đường trung tâm Tôn Đức Thắng.

Thêm vào đó, ngoài 3 nhà đầu tư cá nhân, GTD cũng có nhà đầu tư chiến lược mua 20% vốn điều lệ là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình. Đây là đối tác hội đủ các yếu tố mà Thượng Đình cần là chuyển giao công nghệ mới, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh. Cung ứng nguyên vật liệu chính ngành da giày như, vải, cao su, hóa chất, vật tư bao bì đóng gói… và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thái Bình cũng đầu tư về ngành may mặc, tiêu dùng... có thể hỗ trợ GTD đạt mục tiêu sau cổ phần hóa trong 3 năm từ năm 2015-2017 là nâng tỉ trọng xuất khẩu trong cơ cấu sản phẩm đạt từ 40-50%/năm, sau 3 năm cổ phần hóa cổ tức đạt trên 8%/năm. Điều đặc biệt nữa, Thái Bình cũng có chiến lược phù hợp với GTD là bất động sản.

Có một điều khá rõ ràng trong vấn đề cổ phần hóa các công ty nhà nước chính là đất. Nhiều công ty nhà nước đang cổ phần hóa và thu hút các nhà đầu tư nhờ sở hữu nhiều vị trí “đất vàng”. Vì lẽ đó, gần đây, nhiều đại gia đang săn đón những đất vàng từ nhà nước, nhất là những dự án tại Hà Nội và những doanh nghiệp vừa có đất vàng vừa tham gia bất động sản. GTD bên cạnh kinh doanh da giày thì Công ty còn kinh doanh cho thuê trụ sở văn phòng và kios bán hàng. Chính vì vậy, liên kết với Thái Bình sẽ giúp phát triển cả lĩnh vực giày và bất động sản của Công ty trong tương lai.

Mai Hân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.