Giá giảm mạnh, nhà vườn thất thu từ vụ màu Tết
Vào các dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nông dân ở một số địa phương của tỉnh Kiên Giang thường trồng nhiều loại hoa màu để phục vụ thị trường như: củ gừng, củ kiệu, cải sậy (cải dùng để làm dưa), các loại rau thơm…Riêng vụ hoa màu bán dịp Tết Ất Tỵ này, hầu hết các loại rau củ đều giảm mạnh làm giảm thu nhập và lợi nhuận cho nhà vườn, thậm chí ở một số hộ trồng đạt năng suất không cao còn bị hòa hoặc lỗ vốn.
Huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) là địa phương trồng nhiều kiệu bán dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ nhiều nhất tỉnh với diện tích trên 60ha, tập trung ở các xã: Mỹ Thuận, Mỹ Thái, Mỹ Hiệp, thị trấn Sóc Sơn. Khoảng 1 tuần qua, nông dân bước vào thu hoạch rộ củ kiệu với năng suất đạt được khá cao, khoảng 3 tấn/công (1000 mét vuông). Tuy nhiên, giá củ kiệu những ngày gần đây sụt giảm mạnh, dao động từ 12.000 đồng/kg (giảm khoảng 7.000-10.000 đồng/kg so với những năm trước) nên đa số người trồng có lời rất ít và không ít người trồng đạt năng suất thấp bị hòa vốn.
Ông Lê Hoàng Thạnh, ấp Sơn Thuận, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất chia sẻ, vụ kiệu bán Tết Ất Tỵ này gia đình thuê 20 công đất để trồng với chi phí 80 triệu đồng. Chi phí mua kiệu giống, tiền phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, phân hữu cơ, tiền thuê nhân công thu hoạch củ khoảng 35 triệu đồng/công. Nhờ thời tiết thuận lợi, kiệu đạt năng suất khá cao, gần 4tấn/công; tuy nhiên do giá kiệu bán được chỉ 12.000 đồng/kg nên thu nhập mỗi công khoảng 43 triệu đồng, trừ hết chi phí đầu tư chỉ còn lời 4 triệu đồng/công.
"Hơn 4 tháng ròng rã chăm sóc của 2 vợ chồng nhưng lợi nhuận chưa đầy 4 triệu đồng/công quả thật rất buồn nhưng cũng đành chịu vì giá củ kiệu phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Củ kiệu tới mùa thu hoạch không để được lâu để chờ giá nên được giá nào bán giá nấy, đây là mùa thu hoạch củ kiệu buồn với gia đình tôi", ông Thạnh nói.
Cách vườn kiệu nhà ông Thạnh hơn 500 mét, gia đình ông Huỳnh Tấn Lực cũng vừa thu hoạch xong củ kiệu với năng suất đạt 3,5 tấn/công. Ông Lực cho biết, gia đình gắn bó hơn 10 năm trồng kiệu bán củ vào các dịp Tết Nguyên đán và năm nay là lần đầu tiên giá kiệu thấp nhất trong các năm qua.
Theo ông Lực, chi phí đầu vào cho vườn kiệu năm nay cũng như nhân công đều tăng hơn so với những năm trước. Giá nhân công nam thuê thu hoạch củ kiệu 40.000 đồng/tiếng, nữ 25.000 đồng/tiếng. Tổng chi phí khoảng 38 triệu đồng/công, trong khi củ kiệu thu hoạch bán được chỉ khoảng 42 triệu đồng/công.
"Những năm trước, giá củ kiệu thường dao động từ 18.000-25.000 đồng/kg nên người trồng có lời khá cao, khoảng 30 triệu đồng/công. Còn vụ này giá quá thấp nông dân rất khó có lời, riêng gia đình tôi nếu như tính luôn cả tiền công của vợ chồng chăm sóc hơn 4 tháng cũng coi như không có lời từ vụ kiệu này", ông Lực cho biết.
Không chỉ người trồng kiệu ở huyện Hòn Đất thất thu, nông dân trồng gừng ở huyện U Minh Thượng (nơi được mệnh danh là thủ phủ gừng củ của tỉnh Kiên Giang) cũng tương tự. Bà Phạm Thị Chúc, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết, gia đình vừa thu hoạch xong vụ gừng năm 2024 với diện tích trồng 1,4ha, bán xô ngang tại rẫy cho thương lái với giá 400 triệu đồng. So với các vụ gừng của những năm trước, thu nhập này giảm một nửa.
"Sau khi dò hỏi thương lái thu mua củ gừng với giá 10.000 đồng/kg, vợ chồng tôi quyết định bán hết vườn 1,4ha với giá 400 triệu đồng vì sau khi đào thử dự tính sản lượng củ đạt khoảng 40 tấn và việc thuê nhân công thu hoạch cũng rất khó và tốn kém nhiều chi phí. So với vụ gừng bán dịp Tết Nguyên đán của năm trước (giá bán 20.000 đồng/kg), vụ gừng năm nay gia đình tôi giảm nguồn thu nhập 400 triệu đồng", bà Chúc cho hay.
Ông Phạm Duy Tân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết, toàn huyện có diện trích trồng gừng hơn 810ha tập trung ở xã Minh Thuận và xã An Minh Bắc. Năng suất gừng củ thu hoạch trung bình đạt 30 tấn/ha. So với nhiều năm qua, giá củ gừng gần đây giảm mạnh và hiện tại khá thấp, chỉ 10.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng có lãi khoảng 15-20 triệu đồng/công, mức lợi nhuận này giảm 40% so với những năm trước.
"Để giúp cho nghề trồng gừng trên địa bàn huyện phát triển ổn định, thời gian tới ngành Nông nghiệp huyện tham mưu UBND huyện và một số ngành cấp trên đẩy mạnh hoạt động kết nối, tìm kiếm doanh nghiệp đầu mối để liên kết bao tiêu đầu ra thông qua hợp tác xã ở địa phương với giá cả ổn định hơn. Đồng thời, rà soát, bố trí lại vùng trồng gắn với vận động nông dân tham gia vào hợp tác xã để nâng cao năng suất và đảm bảo nguồn cung, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân", ông Tân cho biết thêm.