|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Trương Gia Bình: Việt Nam tự hào khi có hai tài năng là Nguyễn Hà Đông và Nguyễn Thành Trung

07:27 | 27/05/2022
Chia sẻ
Axie Infinity đã tạo ra ngọn lửa cảm hứng để nhiều startup game ứng dụng blockchain ra đời tại Việt Nam.

Tại một diễn đàn tổ chức ở TP.HCM mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, nói rằng Việt Nam có thể tự hào khi đã sản sinh ra các tài năng như Nguyễn Hà Đông (tác giả Flappy Bird) hay Nguyễn Thành Trung (người đứng sau Axie Infinity).

 Axie Infinity là một trong số những trò chơi blockchain nổi tiếng nhất thế giới. (Ảnh: Coindesk).

“Chúng ta có nền tảng vững chắc để tạo ra các startup giá trị cao”, ông Trương Gia Bình nói. Ông Trương Gia Bình có lý do để đặt 2 cái tên nói trên nên cùng một bàn cân. 7 năm trước, Flappy Bird nổi lên trở thành một hiện tượng toàn cầu và đưa Nguyễn Hà Đông lên đỉnh cao của sự nổi tiếng. Thế nhưng, nếu như Flappy Bird “chết yểu” theo mong muốn của tác giả, Axie Infinity dường như bền vững hơn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Trò chơi NFT này, bất chấp việc vướng vào vụ hack 620 triệu USD tiền mã hoá hồi cuối tháng 3, đã đạt được những thành tích tuyệt vời và trở thành một trong những trò chơi blockchain được yêu thích nhất thế giới.

Thành Trung và cộng sự đã đưa Sky Mavis, studio tạo ra Axie Infinity, thành một “kỳ lân” công nghệ trong vỏn vẹn 3 năm. Đồng thời, thành công toàn cầu của nó đưa Việt Nam thành một điểm nóng của GameFi (các trò chơi theo phong cách chơi để kiếm tiền, hay play-to-earn).

Câu hỏi đặt ra là liệu mảng GameFi có thể đưa hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam lên tầm cao mới? Hay liệu đợt giảm giá của thị trường tiền mã hoá gần đây có phá hỏng đà tăng trưởng của các startup game mã hoá Việt Nam?

Dịch chuyển nhân tài

“Tôi đã mất 2 lập trình viên trẻ cho các startup mã hoá”, một giám đốc công nghệ tại TP.HCM nói. “Tôi ổn khi họ rời đi nhưng vẫn thấy khá đau lòng”. Đây là cảm xúc chung của nhiều người trong mảng công nghệ Việt Nam gần đây. Một số chuyên gia ngành nói rằng việc tuyển lập trình viên chất lượng trở nên “thách thức hơn bao giờ hết” ở Việt Nam ngay cả trước khi các dự án mã hoá hay GameFi bùng nổ.

Một báo cáo của TopDev ước tính Việt Nam cần 450.000 nhân sự IT trong năm 2021 nhưng tổng số lập trình viên làm việc ở Việt Nam vào quý I/2021 chỉ là 430.000. Điều này có nghĩa là có khoảng 20.000 vị trí chưa tìm được nhân sự.

Một yếu tố chính là nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng mạnh từ các vị trí phép làm việc từ xa của các công ty công nghệ cũng như các dự án GameFi và blockchain, theo Toan Nguyen, CEO và đồng sáng lập nền tảng tuyển dụng Recruitery, nhận định.

Nhu cầu này cũng khiến lương của các nhân sự công nghệ có xu hướng tăng. Ông Toàn ước tính rằng các dự án blockchain hay GameFi thường trả lương cao hơn 1,5 lần vị trí tương tự ở các công ty công nghệ khác.

Mặc dù xu hướng này có thể chậm lại vì các sự việc như mạng Terra sụp đổ gần đây, xu hướng chảy máu chất xám từ Web2 lên Web3 sẽ không dừng lại.

Tại Đông Nam Á, ước tính của Tech in Asia dựa trên LinkedIn cho thấy ít nhất khoảng 50 nhân sự từ các công ty lớn như Grab, Lazada, Sea Group, hay VNG đã rời công ty để nhận các vụ trí chủ chốt trong các công ty Web3.

Theo ông Oswald Yeo, CEO nền tảng tuyển dụng Glints, số lượng vị trí mà khách hàng của Glints tìm kiếm trong mảng blockchain đã tăng gấp đôi trogn 6 tháng vừa qua ở Việt Nam với mức tăng trưởng hàng tháng khoảng 30%.

“Các cơ chế thưởng của dự án blockchain cũng hấp dẫn hơn trong ngắn hạn”, ông Nam Le từ quỹ Touchstone Partners nói.

Hiệu ứng FOMO

Theo ông Nam Le, Việt Nam hiện đang ở “điểm tốt nhất” (sweet spot) cho làn sóng startup tiếp theo, thế nhưng hiệu ứng “sợ bỏ lỡ” (FOMO) của tiền số “có thể làm xao nhãng điều này tạm thời”.

Ông Nguyễn Thế Vinh, đồng sáng lập và CEO của Coin98, nói với Tech in Asia rằng một trong những quan ngại của ông là “nguồn lực lẽ ra đã được các đội ngũ khác sử dụng để xây dựng các vấn đề khác trên blockchain” thay vì chỉ GameFi.

Lằn ranh phân biệt giữa blockchain và tiền mã hoá khiến thực tế rất khó để thống kê số lượng dự án đang hoạt động tại Việt Nam. Trong số gần 50 startup game blockchain được ra mắt trong năm 2021 tại Đông Nam Á, khoảng 38 đến từ Việt Nam.

Việt Nam nổi tiếng là quốc gia có nhiều người đón nhận tiền mã hoá. Theo thống kê của TripleA, khoảng gần 6 triệu người, tương đương 6% dân số Việt Nam, sở hữu tiền mã hoá.

Việt Nam cũng nằm trong top 3 quốc gia có lượng người dùng hoạt động hàng tháng trên ví MetaMask lớn nhất.

Không quá ngạc nhiên khi cơn sốt GameFi đã tạo ra nhiều “kẻ sao chép” kém chất lượng, ông Le của Touchstone Partners, nói. “Mặc dù chúng ta cũng thấy vấn đề này ở thế giới startup truyền thống, trong lĩnh vực GameFi, điều này trầm trọng hơn rất nhiều. Cuối cùng, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị tổn thương”.

Tech in Asia cũng nói rằng tất cả các con số nói trên vẫn chỉ là “phần nổi của tảng bằng” do nhiều dự án vẫn đang hoạt động ngầm, không gọi vốn hoặc không công bố gọi vốn.

Định hướng toàn cầu từ ngày đầu tiên

Điều thú vị nhất về GameFi và blockchain là các startup Việt Nam thể hướng đến thị trường toàn cầu ngay từ ngày đầu tiên. Những cái tên lớn trong lĩnh vực này như Axie Infinity và Theta Arena đã có nhóm người dùng toàn cầu, trong khi đó các công ty công nghệ truyền thống như VNG, Tiki và MoMo mới chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa.

Justin Hall, đối tác tại Golden Gates Ventures, tin rằng cuộc “đào vàng” với mảng GameFi mang đến “lợi nhiều hơn hại” cho hệ sinh thái công nghệ Việt Nam. “Bạn sẽ thấy các đội nhóm hình thành, học hỏi và hợp tác lẫn nhau”, ông Justin nói. “Nhiều công ty có thể thất bại song điều này đúng với tất cả mọi lĩnh vực”.

Kenny Nguyen, người sáng lập của Astro Heroes metaverse, không cho rằng GameFi là “điều gì đó mới mẻ”. Ví dụ, người dùng các trò chơi như Võ Lâm Truyền Kỳ cũng từng kiếm được nhiều tiền từ việc bán tài khoản hoặc các tài sản trong game. “Blockchain giờ giúp cho điều này được minh bạch hơn”, ông nhận định.

Dù vậy, ông Kenny nói rằng một số dự án GameFi tập trung vào việc gọi vốn nhưng không có sản phẩm thực sự.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nam Khánh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.