|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gã khổng lồ Shell bị chỉ trích vì mua dầu thô của Nga

21:05 | 06/03/2022
Chia sẻ
Việc tập đoàn Shell mua dầu thô từ Nga vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine ông Dmytro Kuleba, người luôn kêu gọi tất cả công ty cắt mối làm ăn với Nga.

 Theo CNBC, Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh Royal Dutch Shell mới đây bị giới chức Ukraine chỉ trích vì mua một khối lượng lớn dầu thô từ Nga với giá rẻ. Theo đó, hôm 4/3, Shell mua 100 nghìn tấn dầu Urals từ Nga với giá triết khấu kỷ lục lên tới 28,5 USD/thùng.

Tuy nhiên, hành động này của Shell vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine ông Dmytro Kuleba, người luôn kêu gọi tất cả công ty cắt mối làm ăn với Nga. 

Trả lời phỏng vấn trên trang CNBC, vị này còn cho rằng các tập đoàn dầu khí lớn khác vẫn còn đang mua dầu từ Nga là đã đi ngược với chính nghĩa. 

"Thế giới sẽ đánh giá họ. Và lịch sử sẽ phán xét họ", ông Dmytro Kuleba nói.

Phản hồi với lời chỉ trích này, mới đây trên trang Twitter của mình, Shell cho biết họ không xem nhẹ  quyết định này và việc mua dầu từ Nga đã được trao đổi với các chính phủ nhằm đảm bảo nguồn cung được liên tục.

Gã khổng lồ Shell bị chỉ trích vì mua dầu thô của Nga - Ảnh 1.

Tập đoàn Shell cho biết sẽ tiếp tục chọn các nguồn cung thay thế cho dầu của Nga sớm nhất có thể.

Tập đoàn này nói thêm: “Ngày hôm qua, chúng tôi đã phải đưa ra một quyết định khó khăn khi mua dầu thô từ Nga. Các nhà máy lọc dầu của chúng tôi cung cấp xăng, dầu diesel và các sản phẩm khác mà người dân đang phải phụ thuộc mỗi ngày. 

Nếu nguồn cung dầu thô bị gián đoạn, ngành công nghiệp năng lượng không thể đảm bảo tiếp tục cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho người dân trên khắp châu Âu trong những tuần tới. Trong khi đó, nguồn cung thay thế không thể đến kịp thời để đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị gián đoạn”.

Shell cho biết sẽ trích bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ số lượng dầu mà hãng mua của Nga vào một quỹ nhằm giảm bớt khó khăn mà người dân Ukraine phải gánh chịu. Đồng thời, tập đoàn sẽ tiếp tục chọn các nguồn cung thay thế cho dầu của Nga sớm nhất có thể. Nhưng việc này sẽ không thể đạt kết quả sớm vì nguồn cung từ Nga đang chiếm tỷ trọng lớn.

Hồi đầu tuần này, Shell tiết lộ kế hoạch thoái vốn tại gã khổng lồ dầu khí Nga Gazprom và các công ty liên quan.

Trong khi đó, Chủ Nhật tuần trước, tập đoàn BP tuyên bố sẽ thoái  19,75% cổ phần của mình trong công ty năng lượng Nga Rosneft.

H.Mĩ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.