|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gã khổng lồ ngành chip TSMC báo lãi kỷ lục trong quý II bất chấp tình hình kinh tế bất ổn trên toàn cầu

16:50 | 14/07/2022
Chia sẻ
Dù ghi nhận những kết quả kinh doanh tương đối tích cực, song giá cổ phiếu TSMC vẫn giảm xuống kể từ đầu năm nay.

Lợi nhuận của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, trong quý II đã tăng 76% so với cùng năm trước, qua đó thiết lập kỷ lục mới. Trước đó, các nhà phân tích dự báo rằng áp lực từ lạm phát và một loạt yếu tố khác có thể khiến TSMC và các doanh nghiệp cùng ngành gặp khó trong quý II, theo Asia Nikkei.

Cụ thể, TSMC báo cáo lãi ròng quý II đạt 8,05 tỷ USD, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu của công ty trong cùng kỳ đạt gần 18 tỷ USD, tăng 43,5% so với quý II/2021. Tỷ suất lợi nhuận gộp của TSMC cũng đạt mức kỷ lục 59,1%.

TSMC lãi kỷ lục trong quý II. (Ảnh: Reuters).

TSMC là nhà cung cấp của hầu hết nhà sản xuất chip lớn trên thế giới, từ Apple và Qualcomm đến Nvidia và Broadcom. Vì vậy, kết quả kinh doanh của họ thường được coi là thước đo cho nhu cầu về chip trên thị trường điện tử rộng lớn.

Bất chấp những khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu phải trải qua trong suốt thời gian qua, TSMC vẫn dự báo doanh thu cả năm sẽ tăng 30% so với năm trước. Dù vậy, công ty cũng thừa nhận rằng thế giới sẽ phải đối mặt với sự suy thoái trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm như điện thoại thông minh, TV và máy tính cá nhân.

Chủ tịch Mark Liu cho biết nhà sản xuất chip của Đài Loan (Trung Quốc) đang theo dõi chặt chẽ tác động của lạm phát đối với nhu cầu thị trường. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của TSMC đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Gã khổng lồ chip của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang chi lớn để mở rộng ra nước ngoài bằng cách xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ và Nhật Bản, cũng như ở quê nhà. Trước đó, doanh nghiệp đã chào hàng ngân sách chi tiêu vốn cho năm nay lên đến 44 tỷ USD.

Một số nhà sản xuất chip lớn, bao gồm Micron và Intel, đã cảnh báo về triển vọng kinh tế ảm đạm trong nửa cuối năm dù cuộc khủng hoảng chất bán dẫn chưa từng có đang dần lắng xuống. Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh và TV lớn nhất thế giới, thậm chí đã yêu cầu các nhà cung cấp của mình giữ lại các lô hàng linh kiện khi họ cân nhắc lượng hàng tồn kho của mình.

Dù ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực, giá cổ phiếu TSMC đã giảm hơn 23% kể từ đầu năm. Sự sụt giảm giá cổ phiếu TSMC cũng là tình trạng chung mà các công ty trong ngành công nghiệp chip phải trải qua.

Kristine Lau, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu đầu tư Third Bridge cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang chứng kiến ​​mức tồn kho tăng lên trong bối cảnh nhu cầu giảm xuống. Việc cắt giảm đơn đặt hàng và giảm dự báo nhu cầu đang trở nên phổ biến hơn".

Lau nói thêm rằng TSMC không tránh khỏi những lo ngại này, nhưng thừa nhận gã khổng lồ của Đài Loan (Trung Quốc) có thể tiếp tục "có vị thế vững chắc do sự tập trung doanh thu và cơ sở khách hàng đa dạng".

Mark Li, một nhà phân tích chất bán dẫn tại đơn vị nghiên cứu Sanford C. Bernstein, cho rằng nếu tình huống xấu nhất xảy ra, đồng nghĩa có một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chắc chắn TSMC sẽ chịu ảnh hưởng.

"Nếu điều gì đó tồi tệ xảy ra, TSMC sẽ phải phản ứng với việc kiểm soát chi tiêu vốn và chi phí hoạt động nhanh chóng. Tuy nhiên, TSMC dẫn đầu về công nghệ và sẽ phục hồi khi nền kinh tế phục hồi”, nhà phân tích Mark Li nhấn mạnh.

Quốc Anh