|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

FT: Vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam bị lung lay vì bùng dịch COVID-19

07:00 | 02/09/2021
Chia sẻ
Financial Times cho rằng biến thể Delta đang gây thiệt hại nặng nề ở TP HCM, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng của các thương hiệu toàn cầu.

Lo lắng về tương lai của trung tâm sản xuất hàng đầu khu vực

Khi làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam hồi tháng 1 năm ngoái, Chính phủ thực thi một trong những biện pháp kiểm soát dịch thành công nhất thế giới.

Nhờ chiến lược khoanh vùng kịp thời, cách ly nghiêm ngặt và truy vết thần tốc, Việt Nam khi đó nhanh chóng quét sạch virus và dập tắt bất cứ đợt bùng phát nào. 

Thành tựu nổi bật trong khống chế dịch và sớm đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường càng tạo thuận lợi cho Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, Financial Times nhận định.

Nhưng một năm sau, biến thể Delta với tốc độ lây lan khủng khiếp hơn đang đưa số ca mắc mới tại Việt Nam lên mức kỷ lục hơn 10.000 ca một ngày. Làn sóng dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay mang theo lo lắng về tương lai của một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu khu vực.

Nikkei Asia hiện xếp Việt Nam và Thái Lan cùng ở vị trí thứ 120 – tức cuối cùng xét về chỉ số Phục hồi COVID-19. Xếp hạng đánh giá dựa trên tiêu chí kiểm soát ca nhiễm và lộ trình tiêm vắc xin.

Lê Thu Hương, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) cho biết với Financial Times: "Việt Nam từng đối mặt nhiều đợt bùng dịch COVID-19 và đều ứng phó được, nhưng lần này biến chủng Delta tỏ ra khó kiểm soát hơn".

Dịch COVID-19 đang tấn công mạnh vào TP HCM – trung tâm kinh tế và cũng là đô thị đông dân nhất cả nước. TP hiện đang thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, cấm hầu hết các hoạt động đi lại.

Các thương hiệu lớn như Nike và Adidas đã bị gián đoạn hoạt động, cho thấy vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Toyota cũng thông báo ngừng hoạt động 27 dây chuyền tại 14 nhà máy ở Nhật Bản vì tình trạng thiếu các linh kiện sản xuất ở Đông Nam Á mà chủ yếu ở Việt Nam và Malaysia.

FT: Vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam bị lung lay vì bùng dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân ở phía Nam. (Ảnh: AP).

Mong rằng sự gián đoạn chỉ là vấn đề ngắn hạn

Để vừa chặn đà lây nhiễm và duy trì sản xuất, các nhà máy, doanh nghiệp được hoạt động nếu áp dụng "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) , hoặc "một cung đường, hai đường điểm đến" (chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở). 

Nhưng điều này gây khó khăn cho người lao động và gây tốn kém cho doanh nghiệp vì nhiều chi phí phát sinh. Một số doanh nghiệp FDI thậm chí phải sắp xếp nơi ở cho nhân viên tại các khách sạn trong trung tâm thành phố.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho biết các doanh nghiệp FDI, chủ yếu là các nhà sản xuất hàng điện tử, là những đơn vị có khả năng chi trả chỗ ở cho nhân viên tại các khách sạn và/hoặc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 khác. 

Tuy nhiên, biên lợi nhuận của các công ty sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất lại thấp hơn nhiều so với các công ty sản xuất điện tử tiêu dùng nên họ đang gặp khó khăn trong duy trì sản xuất,

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đã giảm trong tháng 8. 

Chuyên gia VinaCapital cho rằng sự sụt giảm này sẽ cản trở đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cũng giống như sự suy giảm trong di chuyển cá nhân ở TP HCM xuống mức thấp hơn nhiều so với đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên vào tháng 4/2020 đã ảnh hưởng đáng kể đến tiêu dùng trong nước.

Bà Nguyễn Phương Linh, Phó giám đốc Khối Quản trị Rủi ro cho biết: "Những quy định đang cản trở nghiêm trọng hoạt động sản xuất trong nước. Một số nhà máy dè chừng đặt đơn đặt hàng mới vì lo lắng không thể thực hiện do không đủ công nhân". Dù vậy bà vẫn lạc quan cho rằng sự gián đoạn này có thể chỉ là "vấn đề ngắn hạn vì Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài so với các nước khác ở châu Á".

Chính phủ đã đặt mục tiêu kiểm soát dịch ở TP HCM vào 15/9, có nghĩa là giảm 20% số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày và số người khỏi bệnh cao hơn số ca mắc mới.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn hơn là liệu Việt Nam có thể kiểm soát khủng hoảng đủ nhanh để tránh làn sóng nhà đầu tư nước ngoài rời đi hay không. 

Hiện, có rất ít dữ liệu công khai về việc các doanh nghiệp FDI thoái vốn và VNĐ vẫn là một trong số ít đồng tiền tại Đông Nam Á tăng giá so với USD.

Anh Đào