FPT Retail và bài toán sinh tồn trong thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt
FPT Retail báo lãi sau thuế 6 tháng gần 147 tỷ đồng |
Doanh thu FPT Shop đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/tháng
Theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), điện thoại thông minh hiện tại đã đạt độ bao phủ khá cao (85%). Động lực tăng trưởng cho ngành trong những năm sau sẽ chủ yếu đến từ nhu cầu đổi mới và nâng cấp điện thoại. Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy trong vòng 5 năm tới, nhóm dân số từ 14 tuổi trở lên sẽ tăng thêm khoảng 8 triệu người.
Theo Euromonitor, điện thoại thông minh (smartphone) tại Việt Nam vẫn có độ phủ thấp hơn so với các nước trong khu vực. VDSC cho rằng, tuy thị trường điện thoại Việt Nam đã trải qua giai đoạn “phổ cập smartphone” nhưng vẫn cần đến 2-3 năm nữa để đạt đến mức độ “bão hòa” về doanh số tiêu thụ.
Như vậy, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) vẫn còn dư địa mở thêm cửa hàng mỗi năm (giai đoạn 2018 - 2019).
Nguồn: Báo cáo từ VDSC |
Trong bối cảnh hầu hết vị trí đắc địa đều đã có dấu chân của Thế Giới Di Động (Mã: MWG), việc mở FPT Shop bên cạnh sẽ giúp FPT Retail tận dụng được lượng khách hàng sẵn có. Kỳ vọng mỗi cửa hàng này có thể đem lại doanh thu từ 1,5-2 tỷ/tháng.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), cho vay tiêu dùng tăng trưởng 65% trong năm 2017, so với mức 50% năm 2016. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ tăng từ 12% năm 2016 lên 18% năm 2017.
Trong cơ cấu doanh thu của FPT Shop, khoảng 30% đến từ sản phẩm được tài trợ bởi các công ty tài chính tiêu dùng. Như vậy, có thể thấy tài chính tiêu dùng đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Đây là lý do FPT Retail xúc tiến 2 chương trình tài trợ F.Friends và Subsidy để thúc đẩy doanh số, trong bối cảnh tăng trưởng tự nhiên của ngành điện thoại đang chậm lại.
Quá trình phát triển của FPT Shop (Nguồn: VDSC, Click vào ảnh để xem chi tiết) |
Chuỗi nhà thuốc Long Châu và bài toán xử lý hàng tồn kho
Theo VDSC, FPT Retail vẫn còn dư địa để mở thêm các cửa hàng nhưng mảng di động sẽ khó tránh khỏi sự chậm lại. Trong bối cảnh đó, FPT Retail đã lựa chọn ngành bán lẻ dược phẩm là yếu tố để tiếp tục duy trì tăng trưởng, thông qua việc mua lại và phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Long Châu hoạt động theo mô hình nhà thuốc tây (bán thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe). Mô hình này phù hợp đối với người dân Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng của các nhà thuốc thời Pháp. Thực tế cho thấy người dân vẫn còn lạ lẫm với mô hình siêu thị nhà thuốc (tích hợp với nhiều mặt hàng tiêu dùng nhanh), vốn quen thuộc ở các nước Bắc Mỹ.
Tương tự các lĩnh vực bán lẻ khác, vị trí cửa hàng là điều tối quan trọng để có được lưu lượng khách. Long Châu mới bước đầu mở các cửa hàng lớn tại các địa điểm chiến lược như góc giao lộ, nhiều mặt tiền, gần chợ, bệnh viện hay khu dân cư. Sau giai đoạn này, chuỗi mới tiếp tục mở thêm các cửa hàng vệ tinh với quy mô nhỏ hơn. FPT Retail cũng có thể hỗ trợ mặt bằng thông qua việc chuyển đổi một số cửa hàng FPT Shop thành Long Châu nếu cần thiết.
Việc có lượng hàng hóa trong kho (Stock Keeping Unit - SKU) lớn và giá bán cạnh tranh là điểm khác biệt của Long Châu so với các chuỗi còn lại. Điều này, cộng hưởng với vị trí thuận lợi, lý giải cho việc doanh thu trung bình/cửa hàng của Long Châu cao hơn đáng kể các chuỗi khác trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, số lượng SKU lớn cũng đồng nghĩa Long Châu đối mặt với bài toán hàng tồn kho. Điều này không đơn giản, bởi thuốc không được phép bán quá hạn, và không dễ quảng cáo để thúc đẩy doanh số như các mặt hàng khác.
Nhìn chung FPT Retail vẫn sẽ phải “chung sống” với khó khăn này. Do đó, giải pháp của FPT Retail là xây dựng hệ thống dữ liệu để nhận biết được xu hướng nhu cầu, giúp quản lý và cơ cấu SKU hiệu quả.
Mật độ nhà thuốc và dược sĩ/10.000 dân giữa các quốc gia (Nguồn: VDSC, Click vào ảnh để xem chi tiết) |
Theo BMI, tổng doanh số thị trường dược phẩm là 5,3 tỷ USD. Tuy nhiên, kênh bệnh viện chiếm tới 70% miếng bánh. Như vậy chỉ còn 30% doanh số thuộc bán lẻ dược phẩm, tương đương 1,6 tỷ USD, được chia sẻ bởi khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc trên cả nước.
Tuy nhiên, thị trường bán lẻ lớn cũng chưa đảm bảo rằng chuỗi bán lẻ thuốc sẽ thành công. Đơn cử là thị trường Ấn Độ, nơi các nhà thuốc nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 86% doanh số nội địa nhờ lợi thế len lỏi ở khắp các ngóc ngách.
Tại Việt Nam, bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ ngày càng chiếm phần lớn trong chi tiêu thuốc, tương tự như Trung Quốc. Việc bảo hiểm y tế chỉ chi trả trong kênh bệnh viện, hay các bệnh viện tư đều có nhà thuốc của riêng mình, sẽ làm hạn chế khả năng tăng trưởng của kênh bán lẻ. Thêm vào đó, nhà thuốc nhỏ vẫn đang áp đảo tại Việt Nam, thể hiện qua mật độ nhà thuốc/người dân thuộc top cao nhất thế giới. Các chuỗi nhà thuốc như Mỹ Châu hay Phano đã xuất hiện từ 10 năm trước nhưng vẫn hết sức mờ nhạt.
Như vậy, môi trường chung tại Việt Nam không thật sự ủng hộ chuỗi bán lẻ. Thành công của Long Châu sẽ phụ thuộc vào việc chiếm được bao nhiêu phần trong thị trường phân mảnh hiện tại, hơn là tăng trưởng tự nhiên của ngành (được BMI dự đoán vào khoảng 12%/năm). Điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức triển khai của FPT Retail.
Nỗi lo nợ xấu từ F.friend và Subsidy
Theo VDSC, mức đóng góp của 2 chương trình này vào doanh thu 2017 đạt gần 9%, và đang tiến triển tốt trong những tháng đầu năm 2018. Do vậy, FPT Retail kỳ vọng gia tăng tỷ lệ này lên 20% vào cuối 2019, và khoảng 30% trong 5 năm tới.
Thị trường sản phẩm Apple tại Việt Nam có trị giá khoảng 1 tỷ USD, trong đó điện thoại Iphone duy trì ổn định với tỷ lệ 10%. Miếng bánh lớn nhất vẫn thuộc về hàng xách tay vốn có những lợi thế so với hàng chính hãng về giá cả và thời gian mở bán.
Nhằm vào thị trường này, FPT Retail đã ký thỏa thuận hợp tác để mở chuỗi cửa hàng chính hãng ủy quyền Apple (APR), là cấp đại lý ủy quyền cao nhất, chỉ xếp sau Apple Store và được hỗ trợ mở mới cũng như ưu đãi cao nhất về bảo hành. Hiện Việt Nam mới chỉ có 15 cửa hàng ủy quyền của Apple, rất ít so với các quốc gia trong khu vực. Trong phân khúc chính hãng, FPT Retail đang dẫn đầu với 40% thị phần.
Đến nay đã có 12 chi nhánh F.studio của FPT Retail được đưa vào hoạt động, với doanh số trung bình đạt 1,2 - 2 tỷ đồng/tháng/CN. Về mặt sản phẩm, FStudio có chính sách giá tương tự FPT Shop, khác nhau đến từ việc F.Studio có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của Apple, có ngân sách quảng cáo riêng, được truyền thông về thương hiệu riêng trên trang web chính thức của Apple.
Tuy nhiên, các chương trình thúc đẩy doanh số của FPT Retail đi kèm với rủi ro nợ xấu. Để hạn chế rủi ro này, công ty đã hợp tác với nhà sản xuất để cài đặt phần mềm khóa máy từ xa trong trường hợp khách hàng không thanh toán theo đúng hợp đồng. Hiện FPT Retail đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Samsung, đang xúc tiến hợp tác với Oppo (hãng điện thoại có thị phần lớn thứ 3 tại Việt Nam) để phát triển và cài đặt phần mềm khóa máy lên các mẫu điện thoại.
Doanh thu chương trình F.friends năm 2017 (tỷ đồng) - Nguồn: VDSC |
Đối với các sản phẩm Apple, do chính sách của hãng không khuyến khích việc phát triển các chương trình can thiệp vào phần cứng nên FPT Retail vẫn chưa đạt được thỏa thuận cài đặt phền mềm khóa máy. FPT Retail cũng đã trích lập dự phòng nợ xấu 2% trên khoản phải thu của F.Friends (nợ xấu thực tế hiện dưới 1%).
Đối với Subsidy, do tập khách hàng không được chọn lọc như của F.Friends và tiềm ẩn rủi ro cao hơn nên công ty đã mua bảo hiểm toàn bộ trên khoản phải thu với chi phí ước tính khoảng 2%. Với riêng ngành dược phẩm, có những đặc thù về pháp lý mà FPT Retail có thể không lường trước được.
Cơ cấu doanh thu theo hình thức bán hàng. (Nguồn: Báo cáo VDSC) |
F.friends áp dụng cho các sản phẩm có giá trị trên 1 triệu đồng, bao gồm 184/267 mẫu điện thoại đang được bán tại FPT Shop, hầu hết các mẫu máy tính xách tay, máy tính bảng và các sản phẩm đổi trả. Trong khi đó Subsidy chỉ áp dụng cho các loại điện thoại Samsung thuộc các phân khúc từ giá rẻ đến cao cấp. F.friends là chương trình trả góp trong 6 tháng với lãi suất 0% dành riêng cho khách hàng hội viên là nhân viên làm việc trên 8 tháng của các doanh nghiệp có ký hợp đồng tham gia chương trình với FPT Shop. Số tiền trả góp sẽ được trừ vào lương tháng của người mua. Bắt đầu triển khai từ cuối năm 2016, đến nay, FPT Retail đã ký hợp đồng với 2.000 doanh nghiệp với số hội viên lên đến 650.000 người. Doanh số hàng tháng đạt 60-70 tỷ đồng, và FPT Retail đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số này đến cuối năm nay. Subsidy là chương trình mua điện thoại có trợ giá từ nhà mạng được công ty giới thiệu vào cuối năm 2017. Khi mua điện thoại kèm với gói cước từ 1 trong 2 nhà mạng là Vietnamobile và Mobifone, khách hàng chỉ phải trả trước đến 50% giá trị máy, số tiền còn lại sẽ được thanh toán trong 12 tháng theo hợp đồng với nhà mạng. |