|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FPT Retail mở F.Beauty bán mĩ phẩm: Nhiều thách thức hơn bán thuốc

15:19 | 10/01/2020
Chia sẻ
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng F.Beauty là bước đi của FPT Retail nhằm đa dạng hóa hoạt động khi thị trường hàng công nghệ bão hòa, tương tự như chuỗi nhà thuốc Long Châu trước đây. Tuy nhiên mức độ cạnh tranh trong mảng mĩ phẩm được cho là sẽ gay gắt hơn so với dược phẩm.
FPT Retail mở F.Beauty bán mĩ phẩm: Nhiều khó khăn hơn bán thuốc - Ảnh 1.

Một cửa hàng F.Beauty do FPT Retail mới mở ở phố Xã Đàn, Hà Nội. Ảnh: Đức Quyền.

Cuối năm 2019, FPT Retail ra mắt F.Beauty - chuỗi bán lẻ mĩ phẩm, với cửa hàng đầu tiên đặt tại Hà Nội. Sau chuỗi nhà thuốc Long Châu, F.Beauty là bước thứ hai trong chiến lược đa dạng hóa hoạt động của FPT Retail trong bối cảnh thị trường chính là điện thoại thông minh hiện đã bão hòa.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây dẫn số liệu của GFK cho biết giá trị thị trường hàng công nghệ điện tử Việt Nam trong 9 tháng 2019 giảm -2,4% so với cùng kì năm trước, do sự suy giảm của mảng máy ảnh kĩ thuật số (-18,7%) và mảng điện thoại di động (-4,5%).

VCSC lưu ý rằng thị trường đã có sự chuyển dịch dần từ các thương hiệu điện thoại di động cao cấp (Apple và Samsung) sang trung cấp (Oppo, Realme, Vivo, Xiaomi); điều này giải thích sự sụt giảm trong giá trị thị trường hàng điện thoại di động, dẫn đến tăng trưởng doanh thu của FPT Retail chậm lại đáng kể.

Long Châu và F.Beauty mỗi chuỗi nhắm đến một bộ phận của thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Trong khi Long Châu đi theo mô hình nhà thuốc truyền thống tập trung vào các loại thuốc và thực phẩm chức năng thì F.Beauty tập trung vào các sản phẩm làm đẹp.

VDSC dẫn số liệu từ Euromonitor cho biết thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tại Việt Nam trị giá gần 10 tỉ USD (năm 2018) và có tiềm năng tăng trưởng kép 7%/năm trong giai đoạn 2018 - 2023. VDSC cho rằng đây là thị trường cực kì phân mảnh khi 14 chuỗi lớn nhất chỉ chiếm 1,4% thị trường.

Tăng trưởng thu nhập khả dụng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu/giàu có tạo ra nhu cầu dồi dào cho các sản phẩm làm đẹp, mà giờ đây không chỉ đến từ nữ giới mà còn cả nam giới. Theo Nielsen, chi tiêu mĩ phẩm bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 4 USD, trong khi con số đó ở Thái Lan là 20 USD, cho thấy tiềm năng là rất lớn. 

Hơn nữa, người tiêu dùng cũng đang chuyển từ mĩ phẩm xách tay và không rõ nguồn gốc được bán online sang mua sắm tại các nhà bán lẻ chuyên nghiệp và có uy tín để tránh hàng nhái, hàng giả. 

FPT Retail mở F.Beauty bán mĩ phẩm: Nhiều khó khăn hơn bán thuốc - Ảnh 3.

Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Theo VDSC, thị trường bán lẻ mĩ phẩm có nhiều điểm tương đồng với bán lẻ dược phẩm: một thị trường khá lớn với mức độ phân mảnh cực kì cao và chưa có người thống trị. 

Tuy nhiên với bán lẻ thuốc, FPT Retail chủ yếu cạnh tranh với các nhà thuốc tư nhân vừa và nhỏ; còn với mĩ phẩm, FPT Retail sẽ phải cạnh tranh với nhiều chuỗi mĩ phẩm ngoại như: Watson, Guardian, The Face Shop..., 

Đây là những doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực lớn trong ngành. Ngoài ra, trước khi được FPT Retail mua lại, Long Châu đã là một trong những hiệu thuốc hàng đầu với doanh thu trên mỗi cửa hàng vượt trội so với các chuỗi dược khác, còn F.Beauty đang được FPT Retail xây dựng từ đầu. 

Do đó, VDSC có quan điểm thận trọng về triển vọng của chuỗi F.Beauty.

Song Ngọc

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.