|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

MBS đầu tư 300 tỉ đồng vào trái phiếu Tập đoàn FLC

19:53 | 16/05/2019
Chia sẻ
Tập đoàn FLC vừa cho biết công ty đã hoàn tất hai đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá 300 tỉ đồng, người mua duy nhất là Chứng khoán MB (MBS), tài sản bảo đảm là 272 lô biệt thự, liền kề thuộc Dự án FLC Sầm Sơn giai đoạn 2.

CTCP Tập đoàn FLC mới đây đã công bố kết quả hai đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Trong đợt 1, FLC phát hành 2 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/tp, tương đương tổng giá trị phát hành 200 tỉ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi với kì hạn 2 năm, trả lãi 3 tháng một lần. Lãi suất áp dụng cho 4 kì tính lãi đầu tiên (năm đầu tiên) là 11,3%/năm.

Lãi suất áp dụng cho các kì tính lãi thứ 5 trở đi được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 4% một năm.

Trong đó lãi suất tham chiếu được tính theo công thức trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam, trả sau thông thường kì hạn 12 tháng của 4 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và MB Bank.

Ngày phát hành là ngày 26/4.

Tài sản bảo đảm đối với đợt trái phiếu này là 1) Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai và các quyền, lợi ích có liên quan của 186 lô biệt thự, liền kề thuộc Dự án FLC Sầm Sơn giai đoạn 2 và 2) Toàn bộ số dư tiền trên tài khoản chuyên thu trái phiếu hoặc/và hợp đồng tiền gửi từ tài khoản chuyên thu trái phiếu.

Sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày phát hành, tổ chức phát hành (Tập đoàn FLC) có thể đề nghị mua lại trái phiếu.

Trong đợt 2, FLC phát hành 100 tỉ đồng trái phiếu cũng vào ngày 26/4 nhưng ngày thanh toán là 6/5. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai và các quyền, lợi ích có liên quan của 86 lô biệt thự, liền kề thuộc Dự án FLC Sầm Sơn giai đoạn 2.

Các điều khoản về kì hạn, lãi suất, mua lại trước hạn … cũng giống như đợt phát hành đầu tiên.

Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) là đơn vị tư vấn phát hành, đại lí phát hành, đại lí đăng kí lưu kí, đồng thời là người mua toàn bộ 300 tỉ đồng trái phiếu của cả hai đợt phát hành. Tổng tài sản bảo đảm cả hai đợt là 272 lô biệt thự, liền kề thuộc Dự án FLC Sầm Sơn giai đoạn 2.

MBS là công ty con của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank), tuy nhiên đại lí quản lí tài khoản và thanh toán cũng như đại lí quản lí tài sản bảo đảm trong các thương vụ trên đều là Ngân hàng TMCP Bảo Việt.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2019, tính đến ngày 31/3 vừa qua Tập đoàn FLC có tổng nợ phải trả 17.503 tỉ đồng, chiếm 66% tổng nguồn vốn, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 3.262 tỉ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1.964 tỉ đồng.

Công ty có hai khoản nợ trái phiếu kì hạn 3 năm, đáo hạn vào tháng 9-12/2021. Cụ thể, tại ngày 31/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) sở hữu gần 367 tỉ đồng trái phiếu FLC, lãi suất cho năm đầu tiên là 9,2%/năm. Từ năm thứ hai, lãi suất điều chỉnh theo nguyên tắc lãi suất tham chiếu + biên độ 3,5% một năm. Kì hạn thanh toán lãi đầu tiên là 12 tháng sau ngày phát hành, các kì tiếp theo lãi được thanh toán 6 tháng một lần.

Trái chủ thứ hai là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), sở hữu gần 281 tỉ đồng trái phiếu. Lãi suất năm đầu tiên là 10,3%/năm. Từ năm thứ hai, lãi suất trái phiếu được điều chỉnh theo công thức lãi suất tiết kiệm VND kì hạn 12 tháng của OCB + biên độ 3,5% một năm. Kì hạn thanh toán lãi đầu tiên là 12 tháng sau ngày phát hành, các kì tiếp theo lãi được thanh toán 6 tháng một lần.

Đến thời điểm cuối năm 2018, Tập đoàn FLC đang vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn + dài hạn) tổng cộng 5.112 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất với 1.623 tỉ đồng, chiếm 31,75% tổng dư nợ.

MBS đầu tư 300 tỉ đồng vào trái phiếu Tập đoàn FLC - Ảnh 2.

Dư nợ vay và thuê tài chính của FLC thời điểm cuối 2018. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2018.

Y Vân