|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn FLC lần đầu ghi nhận khoản trả trước hơn 100 tỉ đồng cho Boeing

08:23 | 27/01/2020
Chia sẻ
Kể từ khi kí kết các thỏa thuận mua bán tàu bay bay với Boeing vào tháng 6/2018 và tháng 2/2019, đây là lần đầu tiên Tập đoàn FLC ghi nhận trên báo cáo tài chính khoản trả trước cho hãng chế tạo tàu bay này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí IV/2019 do Tập đoàn FLC mới công bố, tại ngày 31/12 vừa qua doanh nghiệp này đang có số dư khoản trả trước hơn 100 tỉ đồng cho hãng chế tạo tàu bay Boeing của Mỹ.

Đây là lần đầu tiên khoản mục trả trước cho Boeing được Tập đoàn FLC ghi nhận trên báo cáo tài chính.

Tập đoàn FLC lần đầu ghi nhận khoản trả trước hơn 100 tỉ đồng cho Boeing  - Ảnh 1.

FLC đã trả trước hơn 100 tỉ đồng cho Boeing. Trích báo cáo tài chính hợp nhất quí IV/2019.

Trước đó vào ngày 25/6/2018, Tập đoàn FLC và Boeing đã kí kết thỏa thuận mua bán 20 tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Lễ kí kết diễn ra tại Phòng Thương mại Mỹ dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. 

Theo Reuters, thương vụ có giá trị niêm yết khoảng 5,6 tỉ USD. Lịch bàn giao tàu bay dự kiến là từ tháng 4/2020 đến hết năm 2021.

Ngày 27/2/2019 tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tập đoàn FLC và Boeing tiếp tục kí kết thỏa thuận mua bán 10 chiếc Boeing 787 khác. Tổng trị giá ước tính gần 3 tỉ USD.

Các thỏa thuận này được Tập đoàn FLC kí kết nhằm trang bị đội tàu bay thân rộng, hiện đại cho công ty con là hãng hàng không Bamboo Airways. Ngày 16/1/2019, Bamboo Airways đã có chuyến bay thương mại đầu tiên bằng các tàu thân hẹp Airbus.

Đến ngày 22/12/2019, Bamboo Airways tổ chức lễ đón tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên.

Tập đoàn FLC lần đầu ghi nhận khoản trả trước hơn 100 tỉ đồng cho Boeing  - Ảnh 2.

Chiếc Boeing 787-9 đầu tiên do Bamboo Airways tiếp nhận ngày 22/12/2019 được đặt tên Ha Long Bay. Ảnh: Đức Quyền.

Theo ghi nhận tại website của Boeing, tính đến hết tháng 12/2019, Bamboo Airways đã chính thức đặt hàng 10 chiếc 787-9 Dreamliner và chưa nhận bàn giao chiếc nào. Chiếc 787-9 mà Bamboo Airways nhận ngày 22/12 là chiếc tàu bay hoàn toàn mới, được thuê từ công ty CALC (China Aircraft Leasing Group Holdings).

Đây là công ty cung cấp dịch vụ tàu bay trọn đời có trụ sở tại Hong Kong, thành lập năm 2006, hoạt động chính bao gồm cho thuê tàu bay mới và tháo dỡ tàu bay cũ. Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Boeing cũng xác nhận việc chưa bàn giao tàu bay nào cho Bamboo Airways trong năm 2019. 

Vào hai ngày 18 và 19/1 vừa qua, Bamboo Airways tiếp nhận thêm hai chiếc Boeing 787-9 khác. 

Ba chiếc tàu bay thân rộng đầu tiên của hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC được đặt tên theo các địa danh của Việt Nam là Ha Long Bay (Vịnh Hạ Long), Sam Son Beach (Bãi biển Sầm Sơn) và Quy Nhon City (Thành phố Quy Nhơn). Đây cũng là ba địa danh mà Tập đoàn FLC đã xây dựng các quần thể du lịch - nghỉ dưỡng qui mô lớn.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Bamboo Airways, hãng có ý định đặt tên toàn bộ 30 chiếc tàu thân rộng của mình theo các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Trong năm 2020, Bamboo Airways có kế hoạch khai thác 12 tàu bay thân rộng.

Ngoài thỏa thuận mua bán với Boeing của Mỹ, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways còn có đơn hàng 24 chiếc A321Neo với hãng chế tạo tàu bay Airbus của châu Âu. Lịch bàn giao dự kiến từ năm 2020 đến 2025, tổng giá trị đơn hàng là hơn 3 tỉ USD.

Thỏa thuận được kí kết vào ngày 26/3/2018 bởi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Eric Schulz, Phó Chủ tịch Airbus phụ trách thương mại, có sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước Việt Nam và Pháp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2018 của Tập đoàn FLC, tại ngày 31/3/2018 công ty ghi nhận khoản trả trước cho Airbus trị giá 34,2 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,5 triệu USD. Trong báo cáo tài chính các quí sau đó, khoản trả trước này không còn xuất hiện nữa, có khả năng được gộp vào khoản mục "Trả trước cho các đối tượng khác".

Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.