FLC đặt mục tiêu doanh thu kỉ lục 30.000 tỉ đồng năm 2019
Năm 2018: Bamboo Airways cất cánh, 230 dự án trên 56 tỉnh thành
Ngày 4/2/2019, tức ngày 30 Tết Kỷ Hợi, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) đã có Thư Chúc tết gửi toàn thể cán bộ nhân viên Tập đoàn.
Điểm lại những thành tựu đạt được trong năm 2018, bức thư có đoạn: “Chúng ta đã cung cấp ra thị trường hàng ngàn sản phẩm bất động sản, thúc đẩy trực tiếp và gián tiếp tới sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng. Chúng ta đã xây dựng và vận hành thành công những quần thể nghỉ dưỡng – sân golf có quy mô hàng đầu Việt Nam. Chúng ta đã sở hữu số lượng dự án kỉ lục là gần 230 dự án đang triển khai, nghiên cứu đầu tư trên 56 tỉnh thành cả nước.
Và đặc biệt, vượt qua rất nhiều thách thức, chúng ta đa đưa Bamboo Airways cất cánh. Chỉ một năm trước, giấc mơ bay của FLC vẫn là câu chuyện khó tin đối với nhiều người, nhưng đến hôm nay, giấc mơ này đã trở thành sự thực.”
Hôm 16/1 vừa qua, Bamboo Airways - hãng hàng không do Tập đoàn FLC sở hữu 100% - đã khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên sau khi được cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không và Giấy chứng nhận Nhà khai thác tàu bay (AOC). Bamboo Airways từng có kế hoạch cất cánh vào ngày 10/10/2018, rồi chuyển sang cuối tháng 12/2018 tuy nhiên cuối cùng phải hoãn sang đầu năm 2019.
Cùng ngày 16/1, Bamboo Airways tổ chức lễ đón chiếc A321NEO mới đầu tiên do hãng thuê từ công ty cho thuê tàu bay GECAS.
Bamboo Airways khai trương đường bay TP HCM - Vân Đồn, xúc tiến mở đường bay quốc tế | |
[Ảnh] Cận cảnh từ trong ra ngoài chiếc A321NEO đầu tiên của Bamboo Airways |
Năm 2019: Doanh thu 30.000 tỉ, hàng không đóng góp 1/3
Nói về kế hoạch năm 2019 sắp tới, ông Trịnh Văn Quyết viết: “Năm nay, FLC đặt ra cho mình những mục tiêu lớn. Đối với bất động sản, hàng loạt dự án đô thị, quần thể qui mô trong đa lĩnh vực như du lịch, y dược, công nghiệp, dịch vụ … sẽ được xúc tiến xây dựng trên nhiều tỉnh thành cả nước. Đối với hàng không. Bamboo Airways sẽ phải trở thành một thương hiệu uy tín, một lựa chọn hàng đầu cho du khách trong và người nước khi đến với Việt Nam”.
Về doanh thu năm 2019, ông Trịnh Văn Quyết cho biết Tập đoàn FLC đặt mục tiêu 30.000 tỉ đồng. Đây là con số cao đột biến so với năm 2018.
Cụ thể trong năm 2018, FLC đặt mục tiêu doanh thu 12.500 tỉ đồng, thực tế đạt doanh thu 11.764 tỉ đồng, bằng 94% kế hoạch. So với số thực hiện năm 2018, kế hoạch năm 2019 của FLC cao gấp hơn 2,5 lần.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh: FLC. |
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết nói thêm: “Tất cả các lĩnh vực đều phải có sự tăng trưởng vượt bậc, trong đó, riêng hàng không sẽ đóng góp đến 1/3 trong bảng tổng doanh thu này. Đây là một dấu mốc đặc biệt quan trọng, đồng thời cũng là thách thức lớn mà FLC phải đối mặt để tái khẳng định chiến lược phát triển mà chúng ta đã và đang theo đuổi trong những năm qua.”
Dường như lường trước những băn khoăn, lo ngại về mục tiêu doanh thu khá tham vọng này, ông Trịnh Văn Quyết nói tiếp: “Liệu có thể làm được điều này hay không? Câu hỏi này chắc chắn không hề xa lạ với người FLC.
Khi FLC xây dựng tòa nhà đầu tiên tại Hà Nội với vốn ít, kinh nghiệm hầu như bằng không, rất nhiều người đã đặt câu hỏi. Khi FLC xây những quần thể nghỉ dưỡng đầu tiên giữa vùng đầm lầu rồi vùng cát hoang hóa không ai muốn đặt chân tới, cũng vẫn câu hỏi này được đặt ra. Và khi FLC công bố thông tin về việc thành lập hãng hàng không trong năm 2017, thì trong hàng trăm câu hỏi gửi về, câu hỏi nào cũng không giấu được sự hoài nghi.”
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bày tỏ tin tưởng: “Nhưng như anh chị đã thấy, cùng với thời gian, tất cả những câu hỏi dành cho FLC đều đã có lời giải đáp. Tôi tin rằng, câu hỏi được đặt ra trong hôm nay cũng sẽ được trả lời và trả lời một cách xuất sắc trong thời gian không xa."