|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC báo lãi quí IV tăng 37%, giao dịch nghìn tỉ với FLC Faros và các bên liên quan

23:52 | 30/01/2019
Chia sẻ
Tuy lợi nhuận quí IV tăng mạnh so với cùng kì năm trước, Tập đoàn FLC vẫn chỉ hoàn thành 71,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đáng chú ý, FLC có những giao dịch trị giá hàng nghìn tỉ đồng với công ty FLC Faros và FLC Biscom.
flc bao lai qui iv tang 37 giao dich nghin ti voi flc faros va cac ben lien quan FLC đề xuất xây sân vận động và sân golf trị giá trên 25.000 tỉ đồng tại Hà Nội

Không hoàn thành cả mục tiêu doanh thu lẫn lợi nhuận

CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí IV/2018 với doanh thu thuần 4.147 tỉ đồng, giảm 33% so với cùng kì 2017. Giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn với tỉ lệ 35% nên lợi nhuận gộp vẫn tăng 2% lên 333 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 8%.

Chi phí tài chính giảm 26% còn 156 tỉ đồng tuy nhiên chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp tăng lần lượt 80% và 58%.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Tập đoàn FLC ghi nhận lãi ròng 214 tỉ đồng trong quí IV/2018, tăng hơn 37% so với cùng kì 2017.

Lũy kế cả năm, FLC đạt 11.764 tỉ đồng doanh thu thuần, 586 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế và 400 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành tương ứng 94%, 84% và 71,4% kế hoạch do đại hội cổ đông ngày 12/6/2018 thông qua.

flc bao lai qui iv tang 37 giao dich nghin ti voi flc faros va cac ben lien quan
Tóm tắt kết quả kinh doanh của Tập đoàn FLC trong quí IV và cả năm 2018. Kiên Dương tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Nợ phải trả tăng hơn 2.600 tỉ đồng

Tổng nguồn vốn thời điểm 31/12/2018 tăng 3.069 tỉ đồng (tương đương 13%) so với ngày đầu năm, lên 25.865 tỉ đồng. Trong đó, nợ phải trả tăng thêm 2.638 tỉ đồng lên 16.910 tỉ đồng, chiếm 65,4% tổng nguồn vốn; vốn chủ sở hữu tăng 5% lên 8.955 tỉ đồng, chiếm 34,6%.

Giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng thêm 94 tỉ đồng (6%) lên 1.675 tỉ đồng. Trong khi đó giá trị vay và nợ thuê tài chính dài hạn thêm 686 tỉ đồng (25%) lên 3.439 tỉ đồng.

Chủ nợ vay ngắn hạn lớn nhất của FLC là Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội với dư nợ vào thời điểm 31/12/2018 là hơn 537 tỉ đồng. Mới đây, Tập đoàn FLC và Ngân hàng Phương Đông đã kí thỏa thuận hợp tác toàn diện, cam kết ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau.

flc bao lai qui iv tang 37 giao dich nghin ti voi flc faros va cac ben lien quan Tập đoàn FLC và Ngân hàng Phương Đông bắt tay hợp tác toàn diện

Đứng thứ hai về giá trị cho vay ngắn hạn là Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam với giá trị gần 164 tỉ đồng.

Về phía vay và nợ thuê tài chính dài hạn, chủ nợ lớn nhất của FLC là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Tây Sơn với dư nợ tính đến ngày cuối năm là 1.492 tỉ đồng.

Ngoài ra FLC còn đang nợ Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) chi nhánh Singapore số tiền 498 tỉ đồng tại ngày cuối năm 2018. Trong năm, FLC vay ngân hàng này hơn 697 tỉ đồng nhưng sau đó trả bớt gần 200 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu, FLC vay của Credit Suisse ngày 4/6/2018 số tiền 30 triệu USD, lãi suất thả nổi với biên lãi suất là 5% so với lãi suất Libor. Thời hạn vay 27 tháng kể từ ngày giải ngân, kì thanh toán lãi đầu tiên sau ba tháng kể từ ngày giải ngân, kì thanh toán gốc đầu tiên sau 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Khoản vay dùng để tài trợ vốn cho các dự án gồm FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn giai đoạn 2, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, FLC Garden City và FLC Twin Towers.

Giao dịch nghìn tỉ với FLC Faros và FLC Biscom

Trong năm 2018, Tập đoàn FLC bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ trị giá hơn 1.269 tỉ đồng cho CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), bằng gần 11% doanh thu thuần của Tập đoàn FLC trong năm.

Ngoài ra, FLC còn mua hàng hóa, dịch vụ trị giá 1.244 tỉ đồng từ FLC Faros, bằng gần 36% doanh thu của FLC Faros.

Báo cáo tài chính quí IV/2018 của FLC Faros thì cho biết trong năm công ty này bán hàng cho Tập đoàn FLC trị giá gần 1.073 tỉ đồng và mua hàng của Tập đoàn FLC trị giá 590 triệu đồng. Có thể thấy số liệu của FLC và FLC Faros có sự chênh lệch khá lớn.

Cũng theo báo cáo tài chính của FLC, tại ngày 31/12/2018, Tập đoàn này đang có số dư tổng trị giá hàng nghìn tỉ với FLC Faros trong đó khoản mục Phải thu khách hàng ngắn hạn là gần 320 tỉ đồng, Trả trước người bán là 616 tỉ đồng, Phải trả người bán 203,4 tỉ đồng.

Tập đoàn FLC coi FLC Faros là “Công ty có ảnh hưởng đáng kể” đến hoạt động của mình. Ngoài ra, FLC và FLC Faros đều do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT.

Một công ty có liên quan khác cũng có giá trị giao dịch lớn với Tập đoàn FLC trong năm 2018 là CTCP đầu tư du thuyền và sân golf FLC Biscom. Cụ thể, FLC và FLC Biscom phát sinh giao dịch thuê tài sản trị giá 1.752,5 tỉ đồng. Đến cuối năm 2018, FLC còn đang phải thu ngắn hạn từ khách hàng FLC Biscom số tiền lên tới 1.380,5 tỉ đồng.

FLC Biscom được thành lập ngày 2/2/2016, là công ty liên kết của Tập đoàn FLC. FLC Biscom có người đại diện theo pháp luật là Tổng Giám đốc Nhữ Văn Hoan và là đơn vị thường xuyên tổ chức các giải golf cùng Tập đoàn FLC.

flc bao lai qui iv tang 37 giao dich nghin ti voi flc faros va cac ben lien quan
Giải Golf Bamboo Airways Takeoff Tournament 2018 do Tập đoàn FLC phối hợp cùng FLC Biscom tổ chức. Từ trái qua phải trên bàn chủ tọa: ông Nhữ Văn Hoan - Tổng Giám đốc FLC Biscom, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC đang phát biểu, và ông Đặng Tất Thắng - Phó TGĐ Tập đoàn FLC và Tổng Giám đốc Bamboo Airways. Ảnh: Kiên Dương.

Xem thêm

Kiên Dương