|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Fintech nhận nhiều vốn nhất trong giới startup Việt năm 2018

11:42 | 23/01/2019
Chia sẻ
Vượt qua thương mại điện tử và các ngành khác, công nghệ tài chính (fintech) là lĩnh vực nhận nhiều vốn nhất từ giới đầu tư trong năm 2018.

Giới fintech tại Việt Nam nhận 117 triệu USD

Dữ liệu mới nhất của Topica Founder Institue (TFI) cho thấy, các nhà đầu tư đã bơm 117 triệu USD vào các startup Việt Nam trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) trong năm 2018. Trong khi đó, giới startup thương mại điện tử nhận 104 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Như vậy, vượt qua thương mại điện tử và các lĩnh vực khác, fintech nhận nhiều vốn đầu tư nhất trong năm 2018.

Deal Street Asia nhận định số tiền 117 triệu USD dành cho giới fintech có thể bao gồm khoản đầu tư 100 triệu USD mà Warburg Pincus rót vào ví điện tử Momo. Cả Warburg và Momo đều từ chối bình luận về con số này.

fintech nhan nhieu von nhat trong gioi startup viet nam 2018
Cả Warburg Pincug và Momo từ chối tiết lộ về con số của thương vụ đầu tư. Ảnh minh hoạ.

TFI không đề cập cụ thể từng startup nhận vốn, chỉ nêu con số 8 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực fintech trong năm 2018. Trên thực tế, ngoài thông tin về Momo mới đây, 6 công ty fintech xác nhận những lần gọi vốn trong năm 2018 là OnOnPay, eLoan, Moca, Tima, F88 và Finhay.

Số vốn rót vào fintech trong năm 2018 là 117 triệu USD, cao gấp đôi so với con số 57 triệu USD trong năm trước. Bên cạnh đó, một dấu hiệu cho thấy công nghệ tài chính đang có sức hút ngày càng mạnh mẽ là sự góp mặt của những quỹ đầu tư vốn tư nhân PE (Private Equity). Trước Warburg Pincus, Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity đã rót vốn vào Momo từ năm 2015.

Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho giới fintech

Leo Phạm, giám đốc chương trình tại VIISA, lập luận cơ hội cho giới fintech Việt Nam đến từ tỉ lệ 45% của 95 triệu người Việt chưa có tài khoản ngân hàng. Sự phát triển của công nghệ tài chính, vì vậy, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tài chính cá nhân và bán lẻ.

“Một điểm khác biệt quan trọng ở Việt Nam là số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang tăng. Các giải pháp của fintech - chẳng hạn như công nghệ bán hàng POS, nền tảng quà tặng và các công cụ marketing kỹ thuật số - sẽ giúp các DNNVV phát triển các kênh khách hàng mới. Bên cạnh đó, các phân khúc khác như cho vay trực tuyến và gây quỹ cộng đồng (crowd funding) sẽ mở ra các hình thức tài trợ tài chính mới cho các DNNVV”, anh nhận định.

Theo các nghiên cứu thị trường, tính đến cuối 2018, Việt Nam có khoảng 70 công ty fintech, và phần lớn đều liên quan đến thanh toán. Nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance vào năm ngoái dự đoán quy mô thị trường fintech Việt Nam sẽ tăng từ 4,4 tỉ USD vào năm 2017 lên mức 7,8 tỉ USD trong năm 2020.

Xem thêm

Tuệ An