CIMB Malaysia nhảy vào lĩnh vực ví điện tử tại Việt Nam
Ngân hàng CIMB Việt Nam (Malaysia), ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ hai Malaysia, vừa đưa dịch vụ ngân hàng số vào thị trường để phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa nhỏ. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, ngân hàng có 100% vốn nước ngoài này đã và đang đẩy mạnh các hoạt động của mình.
Bắt tay Fintech
“Chúng tôi đang hợp tác với hai công ty fintech mạnh cho ứng dụng OCTO và dự kiến sẽ mở rộng hợp tác với các Fintech khác để đem lại giá trị cho người dùng OCTO”, ông Thomson Fam Siew Kat, Tổng Giám đốc Điều hành CIMB Việt Nam nói.
Fintech, thuật ngữ chỉ các công ty tích hợp công nghệ và dịch vụ tài chính như ví điện tử, ứng dụng so sánh tài chính… Cụ thể, ông Thomson cho biết việc hợp tác với fintech về thẩm định cho vay mới này nhằm cải thiện thời gian duyệt hồ sơ cho vay và cấp thẻ tín dụng trong tương lai.
Quyết định này của CIMB Việt Nam không khó hiểu, dịch vụ hái ra tiền trong mảng khách hàng cá nhân của các ngân hàng là cho vay và mở thẻ tín dụng. Nhất là khi dư địa phát triển ở thị trường Việt Nam rất lớn, theo thống kê của Ngân hàng Nhà Nước công bố đầu năm nay, có hơn một nửa dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỉ lệ tiêu dùng/GDP cao nhất châu Á.
Số liệu của Economist Intelligence Unit vào năm 2015 cho thấy tổng mức tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình Việt Nam đạt 127,7 tỉ USD với tỉ lệ tiêu dùng/GDP đạt 67%. Con số này cao hơn các nước phát triển như Anh (65%), Đức (54%), Nhật (59%).
Tuy nhiên, do Việt Nam không có hệ thống đánh giá điểm tín dụng như nhiều nước nên việc xét duyệt cho vay rất khó và không vượt qua các quy định quản trị rủi ro của khối ngân hàng ngoại.
Việc hợp tác với các Fintech, như ví điện tử chẳng hạn, sẽ giúp các ngân hàng tính toán được khả năng cho vay của người sử dụng để giảm thiểu rủi ro. Cách làm này không mới, như Ant Financial, công ty sở hữu ứng dụng thanh toán Alipay của Alibaba chẳng hạn, năm 2015, đơn vị này đưa ra hệ thống chấm điển tín dụng dựa trên lịch sử giao dịch 450 triệu người sử dụng Alipay với các website thương mại điện tử của Alibaba Group.
Sau khi có trong tay điểm tín dụng của khách hàng, Ant Financial sẽ cung cấp các khoản vay mua nhà, ô tô cho với mức lãi suất tỉ lệ nghịch với điểm tín dụng họ có, điểm càng cao lãi suất càng thấp và ngược lại. Báo cáo gần đây nhất của Bloomberg cho biết dư nợ cho vay tiêu dùng của đơn vị này đã đạt 95 tỉ USD sau hơn một năm thành lập, được định giá khoảng 150 tỉ USD. Trên thực tế, hình thức hợp tác này đang được CIMB triển khai ở nhiều thị trường khác điển hình là ở Malaysia và Indonesia.
Các ngân hàng như CIMB vẫn có vị thế riêng, vì dù các công ty fintech có nhiều dữ liệu và khả năng công nghệ tốt hơn nhưng họ lại bị hạn chế về mặt quy định pháp luật khi chỉ là ví điện tử nên không thể cho vay. “Mối quan hệ này có ý nghĩa tương hỗ nhiều hơn là cạnh tranh”, ông Thomson nói.
Tìm cơ hội trong cửa hẹp
CIMB kỳ vọng rằng việc hợp tác với các công ty fintech sẽ giúp họ tiếp cận với tập khách hàng lớn nhất từ trước, và họ buộc phải biến kỳ vọng đó thành hiện thực khi gia nhập thị trường khá muộn.
Mảng khách hàng cá nhân đang là dịch vụ được không chỉ các ngân hàng khối ngoại quan tâm. Báo cáo tình hình kinh doanh của các ngân hàng nội thời gian qua, các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao kỷ lục đều là nhóm đang chuyển hướng khai thác khách hàng cá nhân.
Điển hình như Vietcombank, ngân hàng này đã xác định trong ba trục hoat động chính thì bán lẻ và tăng thu dịch vụ qua phát triển các tiện ích sản phẩm và mở rộng khách hàng sử dụng là hai trục chính. TPBank, HDBank cũng cho thấy động thái tương tự.
Trong khi đó, khối ngoại thì gia tăng mạng lưới hoạt động để tìm kiếm thị phần. Như Shinhan Bank (Hàn Quốc), sau khi mua lại ANZ (Úc) cũng mở thêm 4 chí nhánh và phòng giao dịch (PGD) nâng điểm giao dịch lên con số 30 và là ngân hàng có mạng lưới chi nhánh lớn nhất hiện nay. Kế đến là Public Bank Berhad Việt Nam (Malaysia), đơn vị này kỳ vọng sẽ nâng tổng số điểm giao dịch lên 18 trên toàn quốc trong thời gian tới.
Đó là chưa kể nhóm 12 công ty tài chính mà dẫn đầu là Bộ tứ FE Credit (VPBank), Home Credit, Prudential Việt Nam, HD Saison (HDBank) chiếm 12% thị phần cho vay tiêu dùng (báo cáo VIRAC 2017). Gần đây, nhóm này còn có xu hướng lấn sân sang một số mảng truyền thống của ngân hàng là thẻ tín dụng, ô tô.
Nói thế để thấy áp lực trên vai CIMB Việt Nam là không hề nhỏ và việc đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng kỹ thuật số như mở tài khoản ghi nợ, tài khoản tiết kiệm hay chuyển tiền 24/7… là chưa đủ hấp dẫn trong một thị trường cạnh tranh như hiện nay.
Vay tiêu dùng đang bùng nổ tại Việt Nam. |
Thậm chí, việc hợp tác với các công ty Fintech để chấm điểm tín dụng ở Việt Nam cũng không phải quá mới. Điển hình như CreditScore, dịch vụ chấm điểm tín dụng của công ty Fibo, hiện đã hợp tác với ngân hàng Ocean Bank và MCredit.
Theo ông Thomson, việc hợp tác với các Fintech chỉ là một phần trong kế hoạch ngân hàng “mở” của mình. Theo đó, CIMB Việt Nam sẽ hợp tác với nhiều bên công nghệ, bán lẻ và cả viễn thông để hiểu rõ nhu cầu của khách hàng hiện nay, từ đó đưa ra các sản phẩm phù hợp và liên tục.
Nhiệm vụ trước mắt của CIMB Việt Nam là mở rộng hệ sinh thái càng nhanh càng tốt và giữ chân các khách hàng ở trong hệ sinh thái lâu nhất có thể nhưng phải đảm bảo tỉ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 20%-30%.
Đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số là chiến lược trọng điểm của CIMN ở Đông Nam Á và đặc biệt nếu tạo được tính cạnh tranh và bền vững ở Việt Nam, mô hình này sẽ được nhân rộng sang các thị trường như Phillipines chẳng hạn.
“Có một thực tế là trong thời gian qua, các ngân hàng thường đóng cửa và tự kinh doanh, nhưng cách làm này hiện đã không còn hiệu quả nữa”, ông Thomson nói.
Xem thêm |