Fed nên làm gì trong cuộc họp tháng 7 tới?
Nguồn: Reuters
Vì sao Fed nên cắt giảm lãi suất?
Kì vọng việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn một thập kỉ vào cuộc họp tháng 7 đã ngày càng được củng cố khi một số thành viên Fed đã ám chỉ rõ rệt việc nới lỏng chính sách sắp diễn ra, đẩy cổ phiếu Mỹ lên mức cao kỷ lục mới.
Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng trung ương lớn đã trở nên "ôn hòa" trong những tháng gần đây. Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy các nhà kinh tế đã kì vọng giảm 25 điểm cơ bản xuống 2% - 2,25%.
Hơn 95% trong số 111 nhà kinh tế hiện dự đoán Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7. Chỉ có hai nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò dự kiến mức giảm 50 điểm cơ bản và hai người nữa nói rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất.
"Lí do lớn nhất để Fed cắt giảm lãi suất là bởi vì nó đã được định giá vào thị trường trong một thời gian. Nếu họ không đưa ra quyết định cắt giảm, điều đó sẽ gây ra một cú sốc", theo ông Andrew Hunter, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Mỹ tại Capital Economics.
"Tôi nghĩ rằng thông điệp chung gần đây từ Fed thiên về nhận định tăng trưởng đang gặp rủi ro hơn là cho rằng nền kinh tế đã yếu đi".
Hơn nữa, trong khi nhiều chỉ báo về hoạt động kinh tế của Mỹ cho dấu hiệu giảm, tỉ lệ thất nghiệp nước này đã chạm mức thấp nhất trong 50 năm trở lại đây và phố Wall ghi nhận mức cao lịch sử. Đây không phải là những tiền đề cho một thay đổi trong chu kì lãi suất.
Kì vọng lãi suất của Fed đã thay đổi hoàn toàn trong năm nay, từ con đường thắt chặt ổn định vào đầu năm tới việc dự kiến trước một loạt cắt giảm. Thật vậy, chỉ một tháng trước, Fed vẫn dự kiến sẽ giữ chính sách và sẽ nới lỏng trong năm tới.
Nhưng kể từ đó, những lo ngại về tác động từ cuộc chiến thương mại đối với tăng trưởng (đã chậm lại) cũng như áp lực lạm phát yếu đã khiến các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo lắng.
Chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cho biết: "Lí do để nới lỏng chính sách mà chúng tôi đưa ra phù hợp với lí do của Fed, là tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lạm phát chững lại và sự không chắc chắn tăng cao".
Nền kinh tế Mỹ gần như đã mất đà trong quí trước và hiện được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 1,8% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, giảm từ mức 3,1% của quí I, theo cuộc thăm dò. Tăng trưởng dự kiến sẽ dao động xung quanh tỉ lệ đó cho đến cuối năm 2020.
Kì vọng có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2019
Trong tháng trước, hơn 75% những người được khảo sát đã hạ thấp hoặc giữ nguyên triển vọng tăng trưởng kinh tế. Và có gần 40% người cho rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ xảy ra vào tháng 9 trong khi kết quả trong lần khảo sát trước nữa là vào quí IV.
Tuy nhiên, thị trường đang cho rằng sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay - vào tháng 7, tháng 9 và tháng 12.
Kết quả cuộc thăm dò cũng cho thấy Ngân hàng trung ương Mỹ được kì vọng sẽ giữ chính sách cho đến năm 2021.
"Chúng tôi không nghĩ rằng đây là sự khởi đầu của một chu kì nới lỏng toàn diện; thay vào đó, động thái cắt giảm này là hành động để bù đắp cho những biến động trong thương mại", Josh Nye, một nhà kinh tế cấp cao tại RBC cho biết.
Mức giảm 50 điểm sẽ tương ứng với mức các nhà đầu tư định giá trong năm tới nhưng nó không đủ để xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư về chính sách tiền tệ đã trở nên quá hạn chế hiện nay.
Với nền kinh tế vẫn đang phát triển và lạm phát thậm chí còn thấp, có một khoảng cách rõ ràng giữa những gì các nhà kinh tế nói rằng Fed có khả năng sẽ làm và những gì họ khuyến nghị.
Fed nên làm gì trong cuộc họp tháng 7?
Khi được hỏi Fed nên làm gì trong cuộc họp tháng này, gần 2/3 trong số hơn 75 người được hỏi cho biết họ sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản. 5 nhà hoạch định chính sách cho rằng nên cắt giảm 50 điểm, trong khi số còn lại (hơn 25% các nhà kinh tế) cho biết họ không nên làm gì.
Thomas Simons, Chuyên gia kinh tế cấp cao của Jefferies, cho biết các vấn đề đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ hiện nay và môi trường lạm phát không phải là nhờ lãi suất thấp.
"Những gì đang làm suy yếu dự báo kinh tế trong tương lai là căng thẳng thương mại. Giảm lãi suất 25 hoặc 50 điểm cơ bản sẽ không thay đổi tình hình đó. Từ góc nhìn về cơ bản, nó không có ý nghĩa với chúng tôi".