|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed đối mặt giai đoạn chuyển tiếp gian nan

15:12 | 26/11/2020
Chia sẻ
Nếu chính phủ Mỹ có thể phân phối vắc xin COVID-19 trong vài tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải sớm vạch ra các kế hoạch để giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua giai đoạn chuyển tiếp khó khăn để bước vào thế giới hậu đại dịch.

Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, Fed phải đưa ra các chính sách khẩn cấp để giúp người dân và doanh nghiệp chống đỡ cú sốc kinh tế.

Giờ đây, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thay đổi, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình có thể sẽ phải vật lộn để thích nghi với trạng thái mới. Hơn nữa, việc hàng loạt công ty tuyên bố phá sản trong tương lai là rất khó tránh khỏi.

Theo Reuters, vấn đề đối với ngân hàng trung ương Mỹ là họ phải tìm cách kiểm soát giai đoạn chuyển tiếp từ chính sách kiềm chế khủng hoảng sang trạng thái kinh tế mới. Gần đây có hai diễn biến mới góp phần thúc giục Fed cân nhắc về vấn đề đó.

Hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ bất ngờ tuyên bố sẽ không cấp thêm vốn cho các chương trình cho vay khẩn cấp của Fed sau hạn chót 31/12. Trên mặt trận vắc xin, ba hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca đều công bố kết quả nghiên cứu giai đoạn cuối khả quan.

Trong hai ngày 15-16/12 tới, Fed sẽ tổ chức cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2020. Bối cảnh thay đổi có thể buộc các nhà hoạch định chính sách phải mô tả chi tiết kế hoạch hành động của họ trong vài tháng tới, Reuters nhận định.

Theo giới phân tích, có lẽ Fed sẽ đưa ra cam kết rõ ràng hơn về tốc độ và hình thức mua trái phiếu chính phủ (hay chương trình nới lỏng định lượng, QE) mà họ dự kiến sử dụng để duy trì chi phí đi vay ở mức thấp.

Các gói QE sẽ thay thế cho chương trình cho vay khẩn cấp tập trung của Fed (dự kiến hết hạn vào cuối tháng 12) cũng như tạo tiền đề cho sự xuất hiện của vắc xin, một diễn biến có thể đẩy lãi suất thị trường lên cao hơn khi niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại và triển vọng kinh tế được cải thiện.

Ông Krishna Guha, Phó Chủ tịch công ty tư vấn Evercore ISI, bình luận: "Chỉ riêng việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin quyết định để các chương trình cho vay của Fed hết hạn vào tháng tới cũng đủ sức siết chặt các điều kiện tài chính ở một thời điểm không hề phù hợp".

"Quyết định của ông Mnuchin làm tăng khả năng Ủy ban Thị trưởng Mở Liên bang (FOMC) củng cố các gói QE trong cuộc họp chính sách tháng 12", ông Guha nhận định.

Fed đối mặt giai đoạn chuyển tiếp gian nan sau khi mất chương trình cho vay - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell (phải) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái). (Ảnh: Getty Images).

Phao cứu sinh của Fed

Để củng cố các chương trình QE, Fed có ba lựa chọn gồm thay đổi hỗn hợp trái phiếu chính phủ mà họ mua vào hàng tháng, tăng mua trái phiếu từ mốc 120 tỉ USD hiện tại, hoặc áp dụng cả hai phương án.

Khi các chương trình kiểm soát khủng hoảng sắp kết thúc, mua trái phiếu chính phủ là đòn bẩy chính mà Fed có thể sử dụng để điều phối thị trường tín dụng.

Các chương trình thu mua trái phiếu được cho là giảm đáng kể chi phí đi vay thông qua nhiều kênh khác nhau, khuyến khích người dân và doanh nghiệp bỏ tiền mua các tài sản lớn như nhà hoặc xe hơi, và hỗ trợ giá cổ phiếu cùng các tài sản bị ảnh hưởng bởi lãi suất trái phiếu chính phủ.

Các chương trình kiểm soát khủng hoảng được thiết kế tập trung hơn, ví dụ như nhằm đảm bảo doanh nghiệp có thể bán trái phiếu tư nhân để huy động vốn ở mức lãi suất hợp lí hoặc cho phép doanh nghiệp nhỏ nhận được các khoản vay phần lớn do Fed cấp vốn.

Theo Reuters, cả hai chương trình trên đều chỉ mang tính tạm thời. Song các quan chức Fed vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ các chương trình giải cứu khẩn cấp vốn tiêu tốn nhiều thời gian để xây dựng và đóng vai trò như một khớp nối tài chính cho đến ngày cuộc khủng hoảng COVID-19 được giải quyết triệt để.

Quả thực đến nay đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát vì chính quyền các bang tại Mỹ đang dần áp lệnh hạn chế trở lại và công cuộc triển khai vắc xin có thể mất vài tháng mới hoàn thành.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng phong tỏa khiến công chúng sợ hãi và thay đổi luôn cách thức mua sắm, sinh hoạt,... nền kinh tế Mỹ cuối cùng cũng sẽ bước sang một trạng thái "bình thường mới" với các sắc thái riêng.

Có người sẽ chìm

Các công ty từng được hỗ trợ bằng ngân sách của chính phủ liên bang hoặc tín dụng giá rẻ của Fed có thể sẽ không phục hồi hoàn toàn ngay cả khi vắc xin được triển khai và nền kinh tế mở cửa lại một cách an toàn. Nhiều doanh nghiệp sẽ gánh khối nợ cao kỉ lục, khó có thể xoay xở.

Các cá nhân và hộ gia đình hoạt động trong những ngành nghề bị ảnh hưởng trong đại dịch hoặc có ít nhu cầu lao động hơn có thể cần thêm một thời gian dài để thích nghi và tìm sinh kế mới.

Fed đã hạ lãi suất ba lần trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế và cam kết sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp cũng như nới lỏng các điều kiện tài chính cho đến khi người lao động có việc làm trở lại và Mỹ đạt toàn dụng việc làm.

Nền kinh tế lớn nhất thay đổi như thế nào sau nhiều tháng phong tỏa và chìm trong bất ổn sẽ quyết định khoảng thời gian mà Fed duy trì cam kết của họ. Đây sẽ là vấn đề trọng tâm của Fed khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách điều phối quá trình chuyển tiếp nêu ra ở đầu bài.

Theo ông Jason Thomas, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty tư vấn Carlyle Group, 2020 là năm mà các ngân hàng trung ương phải "đảm bảo gần như tất cả các công ty lao đao vì dịch bệnh phải duy trì được thanh khoản".

Song, ông Thomas nói 2021 sẽ là năm mà một số công ty phải sụp đổ khi người dân và doanh nghiệp quay trở lại lối chi tiêu cũ hoặc chuyển sang thói quen tiêu dùng mới mà trong đó, một số ngành nghề như khách sạn và hàng không sẽ chật vật trong thời gian dài. Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu này, phản ứng khẩn cấp của Fed trong đại dịch lại trở thành yếu tố bất lợi cho nền kinh tế trong dài hạn.

"Fed nhận thấy điều này và các nhà hoạch định chính sách phải bắt đầu suy nghĩ về tình huống mà họ đã tạo ra là nhiều doanh nghiệp đáng lẽ phải phá sản lại đang được mở cửa trở lại", ông Thomas nhấn mạnh.

Yên Khê