FDI vào nông nghiệp quá thấp do đâu?
Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nông nghiệp công nghệ cao | |
'Sứ giả thị trường' cho ngành nông nghiệp |
Nông trường mới của thế giới?
Gần đây, các DN Nhật cũng đang dần xuất hiện nhiều trong lĩnh vực Nông nghiệp tại Việt Nam, nhưng ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) còn cho biết: “Thời gian tới, hoạt động đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có nhiều thay đổi lớn hơn.”
“Nhất là các lĩnh vực liên quan đến chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị, hạt giống, làm nhà kính, củ quả sấy khô, rau củ sạch, hoa, tỏi đen,…”, ông Kitagawa nói.
Rau an toàn được các tập đoàn sản xuất theo công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa trên cánh đồng mẫu lớn của Nhật Bản trên các nông trường. |
Trước đó, Tập đoàn Kato đã và đang hợp tác với tỉnh Bình Định thực hiện một dự án trị giá hơn 770.000 USD về đánh bắt cá ngừ, kéo dài từ nay đến năm 2020. Công ty Shudensha đang triển khai một dự án trị giá 820.000 USD nhằm cải thiện chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, được thực hiện từ năm 2015 và kéo dài đến năm 2020,…
Đó chỉ là những con số rất nhỏ trong bức tranh đầu tư tổng thể FDI vào nông nghiệp Việt Nam thời gian qua. Nhưng nó cũng cho thấy sự quan tâm của các Tập đoàn, các DN nước ngoài tới lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Bởi đơn giản, Việt Nam đang là mảnh đất vô cùng tiềm năng, một nông trường mới của thế giới.
Thực trạng nào đang cản trở đầu tư FDI vào nông nghiệp?
Đầu tư vào nông nghiệp là một hình thức đầu tư tồn tại rất nhiều rủi ro. Vì thế, nhiều DN cũng khá dè dặt khi có ý định tiếp cận lĩnh vực này nếu như không nắm trong tay công nghệ và nguồn vốn đủ lớn.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc CTCP Sunstar Lacto Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Sao Thái Dương) cho hay: "Tiềm năng nông nghiệp ở Việt nam rất lớn nhưng nó mới dừng lại ở các chủ trương, đường lối kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn.”
"Hiện có rất nhiều người trẻ khởi nghiệp với nông nghiệp. Nhưng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là khó khăn nhất trong tất cả các loại hình đầu tư. Lý do là tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất thấp. Ngoài ra, kinh doanh trong lĩnh vực này lại gặp nhiều rủi ro do phải phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thiên tai", ông Nghĩa nói.
Đứng ở góc độ vĩ mô, đại diện Cục đầu tư nước ngoài cho rằng, Nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng to lớn nhưng vẫn chỉ manh mún, nhỏ lẻ, là do thu hút FDI vào nông nghiệp chỉ ở những dự án nhỏ, tập trung vào chế biến thủy sản, hoa quả tại một số địa phương.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, rất khó để thu hút vốn ngoại vào Việt Nam khi chỉ có những thay đổi từ thuế, đất đai và chính sách vốn. Điều các DN ngoại quan tâm hiện nay chính là phát triển theo chuỗi nông nghiệp hàng hóa và đất sống cho nông nghiệp hữu cơ để giúp sản phẩm tiêu thụ tại trong nước hoặc xuất khẩu.
Tính đến 20/6/2017, tổng vốn FDI vào nông nghiệp đạt 3,46 tỷ USD, với 516 dự án, bằng 1,1% tổng vốn FDI (306,3 tỷ USD). Con số này vẫn còn quá ít so với tiềm năng và lợi thế mà Việt Nam có.
Thực tế, hiện Chính phủ rất kỳ vọng vào nông nghiệp xanh, sạch để đạt tăng trưởng và làm động lực tăng trưởng tương tự các ngành chế tạo, chế biến. Tuy nhiên, nhìn vào số dự án tăng thêm, số dự án tích lũy trong các năm giữa hai khu vực này, vẫn có sự chênh lệch rất lớn.
Nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng do đâu?
Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết: “Rất nhiều DN Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam, do hiệp định thương mại tự do giữa hai nước mới được ký kết đã gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho nông sản VN vào thị trường Hàn Quốc. Nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm đầu tư và lo ngại về khâu thu gom, bảo quản và vận chuyển.”
“Các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, chưa áp dụng đối với doanh nghiệp FDI nên các nhà đầu tư còn hạn chế trong việc đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Hong Sun cho biết thêm.
Không những thế, khó khăn còn nằm ở chỗ: Xuất phát điểm thấp, trình độ nghiên cứu khoa học, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu, thử nghiệm còn thấp, đơn giản.
Hiện chỉ một số ít doanh nghiệp mới đầu tư, song đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao thì gần như chưa đáp ứng được những nghiên cứu chuyên sâu. Nguồn lực tài chính cũng giới hạn và khả năng, trình độ làm thị trường, quản trị doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp còn yếu…
Tăng trưởng còn thấp, vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều so với tiềm năng đang là mối bận tâm của nhiều nhà quản lý. Những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng đó theo ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT là do 4 nguyên nhân.
Đầu tiên là do, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Lý do thứ 2 là bởi, quy mô đất đai nông hộ nhỏ lẻ và manh mún, không có diện tích lớn. Tình trạng đó dẫn đến, khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa, đồng bộ khoa học kỹ thuật. Ảnh hưởng lớn hơn trong tương là giảm hiệu quả trong bối cảnh thế hệ công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Một nguyên do nữa theo ông Định là bởi, thủ tục hành chính hiện còn rườm rà, phức tạp và kết nối hộ nông dân với doanh nghiệp còn khó khăn, chưa có tổ chức HTXNN hay tổ chức đại diện của nhóm nông dân đủ mạnh; Việc các doanh nghiệp phải thỏa thuận, thống nhất với hàng ngàn hộ nông dân cũng là một khó khăn khiến họ phải nản chí.
Nông nghiệp Việt Nam cần làm gì để hút vốn FDI?
Nhìn từ góc độ DN, ông ông Nguyễn Viết Hải, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Pan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Chính sách sửa đổi hỗ trợ doanh nghiệp cần theo hướng tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ cơ chế "xin - cho", chính sách hạn điền, nhưng cần quản lý chặt chẽ để không chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác…”
“Và đặc biệt, nên có ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vùng sâu, vùng xa bởi chi phí cao, nhiều công đoạn”, ông Hải nói.
Về phía quản lý Nhà nước, ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2017 đã xây dựng Chiến lược định hướng thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, đang trình Chính phủ phê duyệt một nghị định riêng cho lĩnh vực này.
Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bộ cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo sửa đổi luật đất đai với các nút thắt về hạn điền, thời hạn thuê đất, và các chính sách đất đai phù hợp với kinh tế thị trường. Chính sách đặc thù về Hợp tác xã nông nghiệp cũng đang được khẩn trương xây dựng để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Đặc biệt, bốn lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI sẽ gồm: Sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi; Sản xuất nguyên vật liệu phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao, sản xuất thức ăn bổ sung phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi, sản xuất thiết bị chuồng trại chăn nuôi...; Chế biến sâu nông - lâm - thủy sản để sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; Tạo cơ chế để các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sinh học...
Đặc biệt, đầu tư theo hình thức PPP đang là một trong những kênh quan trọng được Bộ NN&PTNT ưu tiên để thu hút vốn đầu tư trong năm 2017 và những năm tiếp theo.