|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành nông nghiệp thanh tra 27.574 cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử phạt 2.244 vi phạm trong năm 2022

07:39 | 06/01/2023
Chia sẻ
Năm 2022, ngành nông nghiệp đã thanh tra 27.574 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 2.244 vi phạm với số tiền phạt lên tới 20,1 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT cho biết năm 2022, ngành nông nghiệp đã thanh tra 27.574 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản; xử phạt hành chính 2.244 cơ sở, giảm 9,7% so với năm 2021 và chiếm 8,1% tổng số cơ sở, số tiền phạt lên tới 20,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các địa phương lấy 35.506 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch, phát hiện 1.384 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 3,89% (giảm so với 4,2% năm 2021). Đối với các mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm, các cơ quan đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.

Lũy kế đến nay cho 89% cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, (tăng so với lũy kế năm 2021 là 82%). Tỷ lệ cơ sở được thẩm định, duy trì đủ điều kiện an toàn thực phẩm (xếp loại A/B) là 98,3% (tăng so với năm 2021 là 94,8%);

Trong đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã thực hiện lấy 2.916 mẫu thủy sản nuôi giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện 49 mẫu nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép, chiếm 1,6% (tăng so với mức 1,39% năm 2021); 5/350 mẫu nhuyễn thể hai mảnh vỏ phát hiện vi sinh vật (E.coli) chiếm 1,42% (giảm so với mức 1,7% năm 2021).

Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã đánh giá nguy cơ, cảnh báo kịp thời tới Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y và các địa phương phối hợp kiểm tra, xác minh nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ Thực vật đã lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, phát hiện 6/647 mẫu vi phạm (chiếm 0,92%); lấy 300 mẫu kiểm soát tồn dư từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho một số nông sản xuất khẩu của Việt Nam 2022 (hiện chưa có kết quả phân tích).

Cục Thú y cũng lấy 1.909 mẫu giám sát một số sản phẩm xuất khẩu (ong, thịt gà, sữa tươi nguyên liệu), lấy 1.380 mẫu giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật nhập khẩu không phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm; lấy và phân tích 962 lượt mẫu thịt heo, thịt gà tiêu thụ nội địa và phát hiện 128 lượt mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh và một mẫu vi phạm kim loại nặng (chiếm 13,4%).

Trong năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng lên 98,5% (so với 98,3% năm 2022). Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 90% (so với con số 89% năm 2022). Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm.

Tỷ lệ sản phẩm chế biến làm sẵn, ăn liền tăng 10%/năm. Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP tăng 10%/năm. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15% (so với năm 2022).

Tỷ lệ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tương đương tiêu chuẩn quốc tế đạt 80%. Và 100% các địa phương rà soát, kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp.

Hoàng Anh