Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nông nghiệp công nghệ cao
4 điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao |
Sinh năm 1978 tại tỉnh Vĩnh Phúc, 20 tuổi anh Phạm Văn Xuân rời quê hương vào Đà Lạt làm về lĩnh vực an ninh hàng không tại sân bay Liên Khương. Trong thời gian làm việc tại đây, anh Phạm Văn Xuân đã có cơ hội đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, có không ít những quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển như Hà Lan, Israel, Nhật Bản…
Anh Phạm Văn Xuân đang chăm sóc những cây ớt ngọt |
Năm 2008, anh Phạm Văn Xuân xin nghỉ việc an ninh hàng không, chuyển qua làm đại lý hàng hóa cấp 1 cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Thời gian này anh tiếp tục tìm hiểu và nhận thấy, các mặt hàng như rau, hoa củ quả miền Bắc trái vụ rất đắt đỏ. Từ đó, anh nung nấu ý định trồng rau quả theo hướng công nghệ cao trái vụ cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước.
Nói là làm, anh Xuân bắt tay vào tìm hiểu mô hình trồng rau, hoa quả công nghệ cao từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới như Hà Lan, Israel, Nhật Bản...
Sau khi đã có đủ vốn kiến thức, năm 2016- sau 18 năm xa quê, anh quyết định trở về chính nơi mình sinh ra - thôn Lau, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc để triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, địa điểm anh Phạm Văn Xuân nhắm đến là vùng đất đồi, trước đây người ta dùng làm lò gạch thủ công, bây giờ đã bỏ không. Sau khi được sự đồng ý của UBND huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, anh Phạm Văn Xuân đã bắt tay vào san lấp mặt bằng, xây dựng nhà kính, trồng rau, hoa quả theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Khác với tư duy làm nông nghiệp theo kiểu “mùa nào thức ấy”, anh Phạm Văn Xuân lại có hướng đi khác đó là làm nông nghiệp trái vụ. Theo anh Phạm Văn Xuân, hướng đi này không chỉ giúp anh bán được hàng hóa với giá cao mà còn đáp ứng được nhu cầu thị trường và không lo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vì nhu cầu thị trường rất lớn.
Mỗi năm anh Phạm Văn Xuân thu khoảng hơn 1 tỷ đồng từ trang trại rau sạch 2.500 m2 |
Ví dụ, mùa đông miền Bắc rất lạnh, khí hậu thay đổi thất thường, thường phù hợp với những loại rau như bắp cải, xu hào,… thì anh Phạm Văn Xuân lại tập trung trồng ớt ngọt.
Theo lý giải của anh Xuân, bắp cải, xu hào vào vào mùa đông là chính vụ nên thị trường có giá rất rẻ, có thời điểm chỉ vài ngàn đồng/1kg, nếu anh trồng loại rau này sẽ không thể cạnh tranh được với bà con nông dân trồng theo phương pháp truyền thống.
Bởi trồng rau sạch thì chi phí tốn kém hơn rất nhiều, không chỉ đầu tư công nghệ, phân bón sử dụng cũng nhập khẩu hoàn toàn từ Hà Lan và Đức, không sử dụng hóa chất nên đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Loại ớt này trồng 1-2 tháng là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch khoảng 5-6 tháng. Theo tính toán, 1 cây ớt từ lúc trồng đến lúc thu hoạch thường cho khoảng 8-10kg quả, 2.500m2 trồng được khoảng 3.500 gốc ớt, giá bán 30 ngàn/1kg, trong vòng 7 tháng, trang trại ớt của anh Phạm Văn Xuân cho thu nhập khoảng hơn 600 triệu đồng.
Ngoài thời gian trồng ớt, anh Phạm Văn Xuân cũng trồng xà lách trái vụ. Loại cây này từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 35-45 ngày, với diện tích 2.500m2, mỗi đợt thu hoạch sẽ cho khoảng 15-16 tấn rau, bán giá 30 ngàn đồng/1kg, theo đó thu về khoảng gần 500 triệu đồng mỗi đợt. Cứ như vậy, trung bình mỗi năm, trừ hết các chi phí, trang trại nông nghiệp công nghệ cao của anh Phạm Văn Xuân cho lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Hiện ngoài trang trại nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Vĩnh Phúc, anh Phạm Văn Xuân còn phát triển thêm các trang trại ở một số địa phương như Đà Lạt, Phú Quốc, sắp tới là Ninh Bình. Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Phạm Văn Xuân còn vận động, hỗ trợ người dân địa phương có nhu cầu chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô sang trồng rau sạch theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao và đảm bảo đầu ra ổn định cho họ.
Câu chuyện của anh Phạm Văn Xuân là câu chuyện điển hình cho người nông dân khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương…