|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Facebook sẽ không còn là Facebook nếu thiếu Sheryl Sandberg'

15:10 | 06/06/2022
Chia sẻ
Sheryl Sandberg từng có một vị trí giám đốc vận hành với chức năng đặc biệt quyền lực song kỷ nguyên của nó đã chấm dứt cùng sự ra đi của bà.

 Sheryl Sandberg có 14 năm gắn bó với Facebook, hiện là Meta. (Ảnh: AFP).

Sheryl Sandberg dự tính chỉ làm việc 5 năm tại Facebook khi bà gia nhập công ty vào năm 2008 trong vai trò như một “cánh tay phải” của Mark Zuckerberg. Dù vậy, bà đã ở lại Facebook tới 14 năm và trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất tại Thung lũng Silicon.

Mới đây, bà tuyên bố sẽ rời ghế giám đốc vận hành Facebook (hiện tại là Meta). Khi rời đi, bà sẽ để lại một di sản với nhiều cảm xúc khác nhau. Một mặt, bà đã xây dựng hình ảnh một lãnh đạo nữ kiểu mẫu, dày dặn kinh nghiệm đã đưa công ty lên đỉnh cao mới bằng mô hình kinh doanh quảng cáo số.

Dù vậy, Sandberg cũng trở thành tâm điểm của chỉ trích. Bà bị cáo buộc đã cố gắng gạt bỏ các tranh cãi về kiểm duyệt nội dung và quyền riêng tư người dùng giữa lúc Facebook liên tục vấp phải các scandal sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

“Facebook sẽ không còn là Facebook nếu như không có Sheryl”, David Jones, CEO The Brandtech Group, nói. “Bà đã xây dựng nền tảng giúp Facebook phát triển thành hình hài hiện tại, dù tốt hay xấu”.

Với Sandberg và Zuckerberg, việc bà Sandberg rời công ty cho thấy cả hai đều đang tìm cách xây dựng lại hình ảnh của mình sau nhiều năm gặp rắc rối. Mối quan hệ của 2 người cũng được cho là dần xa cách trong vài năm trở lại đây.

Lúc này, Zuckerberg đang tập trung cho tầm nhìn metaverse ở thời điểm giá cổ phiếu của Facebook giảm mạnh, tăng trưởng chậm lại và cạnh tranh gia tăng. Trong khi đó, Sandberg nói rằng bà muốn tập trung cho gia đình và hoạt động từ thiện. Có nhiều tin đồn nói rằng bà có thể sẽ tham gia con đường chính trị. Sau khi rời ghế giám đốc vận hành, Sandberg vẫn có chỗ trong hội đồng quản trị Meta.

Sandberg cũng đang “chịu tiếng xấu” sau khi WSJ phát đi báo cáo cho rằng bà từng ép buộc Daily Mail phải gỡ bỏ bài viết tiêu cực liên quan đến ông Bobby Kotick, CEO Activision Blizzard, đồng thời là bạn trai cũ của bà. Meta cho biết vấn đề này hiện đã được giải quyết.

Hôm 2/6, WSJ phát đi một báo cáo khác nói rằng Sandberg đã dùng nguồn lực của công ty phục vụ cho lễ cưới sắp tới của bà với Tom Bernthal. Nói về báo cáo này, một người phát ngôn Meta khẳng định: “Những vấn đề đó không ảnh hưởng đến quyết định rời đi cá nhân của bà”.

Sandberg là người có công đầu trong việc biến một startup lộn xộn thành một đế chế quảng cáo số hàng đầu trong nửa đầu nhiệm kỳ của mình. Bà từng tự khẳng định mình “có mặt trên trái đất là để tăng quy mô tổ chức” và bà đã làm được điều đó. Năm 2009, doanh thu của Facebook là 777 triệu USD. Đến năm 2021, con số này là 117 tỷ USD.

Thành công của Sandberg một phần đến từ sự tỉ mỉ tới từng chi tiết của bà đồng thời bà cũng là một người giỏi kết nối. Các nhà quảng cáo nói rằng bà dành nhiều thời gian cho các nhân sự mảng marketing hơn so với các đối thủ. Bà thậm chí còn tổ chức nhiều buổi tiệc tối tại nhà riêng ở Menlo Park để xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Bà cũng sẵn sàng lắng nghe và hành động theo nhu cầu của các nhà quảng cáo.

“Bà đóng vai trò quan trọng để Mark Zuckberg nhận ra cần phải coi trọng cộng đồng quảng báo”, ông Jones nói.

Sandberg cũng có nhiều đồng minh, chủ yếu là nữ, từ các vị trí trước đây của bà ở Harvard, cục Ngân khố và Google.

Khả năng làm chủ cuộc chơi của Sandberg đóng vai trò then chốt trong việc bà xây dưng hình ảnh và tiếng nói của Facebook. Bà thường xuyên gặp gỡ các nhà điều hành và nhà lập pháp trong lúc Mark Zuckerberg tập trung phát triển sản phẩm.

Khi Thung lũng Silicon bùng nổ, thành viên Quốc hội từng chủ động tìm kiếm các cuộc gặp với Sandberg trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016 để tìm cách thúc đẩy mảng công nghệ. Dù vậy, điều này không kéo dài.

Việc là “cánh tay phải” của Mark Zuckerberg đã khiến Sandberg phải “ngồi trên lửa” khi Facebook liên tục vấp phải scandal sau kỳ bầu cử năm 2016.

Mảng kinh doanh quảng cáo mà Sandberg xây dựng cũng chịu sự giám sát chặt chẽ. Nhiều người cho rằng các bài đăng độc hại và khiêu khích đã xuất hiện để thu hút sự chú ý của người dùng trong khi đó việc khai thác dữ liệu người dùng để thực hiện quảng cáo trúng đích cũng làm dấy lên các lo ngại về quyền riêng tư.

Sandberg cũng nổi tiếng với việc không thể xác định được vấn đề và sau đó lui về phòng thủ khi scandal nổ ra. Bà tìm cách kiểm soát các bài viết tiêu cực trên báo chí và tránh các nhà quản lý.

“Không phải vấn đề bà ấy đã làm gì mà là cách bà ấy phản ứng. Nhiều điều trong số này là các hậu quả không thể lường trước nhưng bạn cần quay lại và hành động”, một nhân sự mảng quảng cáo nói.

Một số người cảm thông cho vị trí của Sandberg và nói rằng Mark Zuckerberg vẫn là người cần phải đưa ra quyết định cuối cùng. “Bà ấy sẽ không bao giờ thoát khỏi vị trí luồn cúi của mình vì những cơn khủng hoảng liên tục ập đến công ty”, một người nói.

Bên trong công ty, nhiều người cho rằng sự rời đi của bà Sandberg là điều không bất ngờ. Trong vài năm trở lại đây, Sandberg dần rút lui khỏi công chúng. Ảnh hưởng của bà vơi dần trong khi đó căng thẳng với Zuckerberg tăng lên.

Một cựu nhân viên nói rằng trong khi Zuckerberg ủng hộ tự do ngôn luận, bà Sandberg lại muốn kiểm soát nội dung chặt chẽ hơn.

Sau khi Sandberg rời ghế giám đốc vận hành, Zuckerberg cho biết Javier Olivan sẽ là người thay thế bà với một “vị trí giám đốc vận hành truyền thống hơn” tập trung các vấn đề nội bộ và vận hành.

Mặc dù Sandberg “là một ngôi sao định nghĩa vị trí giám đốc vận hành theo một cách độc đáo và riêng biệt”, Zuckerberg nói rằng “Meta đã phát triển đến điểm mà mảng kinh doanh và sản phẩm cần được tích hợp sâu với nhau hơn thay vì mảng vận hành và kinh doanh được sắp xếp tách biệt với sản phẩm”.

Zuckerberg nói việc bà Sandberg ra đi là “kết thúc của một kỷ nguyên”. Bằng cách này, ông cũng thể hiện ý định mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó vị trí trước đây của Sandberg, với quyền lực và độ rộng của nó, sẽ không còn tồn tại.

Nam Khánh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.