Facebook mất 120 tỷ USD vốn hóa: Vết nứt trên cỗ máy kiếm tiền
Facebook duyệt chi 10 triệu USD mỗi năm để bảo vệ gia đình Zuckerberg | |
Mark Zuckerberg từ chức Chủ tịch Facebook là đề xuất mới nhất của các nhà đầu tư |
Theo The New York Times, có một mối liên hệ mật thiết về niềm tin giữa các nhà đầu tư Phố Wall và những doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon. Quý này qua quý khác, năm này qua năm khác, các công ty công nghệ hàng đầu liên tiếp thu hút người dùng mới, kéo về ngày càng nhiều doanh thu. Do đó, giá cổ phiếu của những gã khổng lồ này cứ đều đặn tăng, xô đổ tất cả những trở ngại.
Tuy nhiên trong tuần qua, bí ẩn này đã rạn nứt. Cách mà các nhà đầu tư phản ứng với các con số tài chính của Facebook, một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới, chính là bán tháo cổ phiếu của hãng.
Bốc hơi 120 tỷ vốn hóa trong một ngày cho thấy gã khổng lồ mạng xã hội đang bộc lộ điểm yếu. Ảnh: Alamy. |
Cổ phiếu của gã khổng lồ mạng xã hội đã giảm 19% giá trị, thổi bay 120 tỷ USD vốn hóa thị trường, và là cú giảm vốn hóa tồi tệ nhất trong một ngày mà một công ty từng phải hứng chịu.
Vì kết quả kinh doanh giảm nhẹ?
Các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Facebook sau khi hãng này công bố kết quả kinh doanh quý hai đáng thất vọng, cùng với đó là cảnh báo của hãng về việc tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể trong những quý tiếp theo, do phải đầu tư thêm cho những cải tiến về an ninh và riêng tư.
Trước ngày 26/7, Facebook vẫn đang tận hưởng mức tăng trưởng "khủng". Cổ phiếu của hãng đã tăng giá 23% từ đầu năm 2018 trước khi báo cáo tài chính gần nhất được tiết lộ. Toàn bộ thành quả từ đầu năm tới nay của Facebook về vốn hóa thị trường đã bị xóa sạch chỉ sau một ngày.
Nhưng có thể thấy, Facebook chỉ hụt 200 triệu USD doanh thu so với kỳ vọng của giới phân tích, một con số quá nhỏ so với doanh thu 13,2 tỷ USD của hãng trong quý II/2018.
Doanh thu của Facebook vẫn tăng trưởng 42% trong khi lợi nhuận vẫn tăng 31% so với cùng kỳ, những con số đáng mơ ước với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Chính COO của Facebook, bà Sheryl Sandberg, nhận định tại buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh quý II/2018 của Facebook: "Tôi cho rằng dù giảm tốc, chúng tôi vẫn đang phát triển và dự báo tăng trưởng ở một mức ổn định".
Facebook đang gặp khó trong việc tăng trưởng người dùng tại châu Âu và Bắc Mỹ. |
Tuy nhiên, báo giới và các nhà đầu tư khẳng định đây là kết quả kinh doanh "đáng thất vọng".
Nếu nhìn vào chi tiết, những con số doanh thu hay lợi nhuận không phải là lý do chính khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Facebook.
Chính tiết lộ về việc công ty sẽ đầu tư mạnh vào các tính năng an ninh và riêng tư, cùng việc tăng trưởng doanh thu được ban điều hành Facebook dự báo sẽ chậm lại, đã làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Khi mà phần lớn các nhà phân tích đều kỳ vọng gã khổng lồ mạng xã hội sẽ công bố một báo cáo tài chính chói sáng. Thay vào đó, giờ họ phải vật lộn với những câu hỏi, liệu ngay cả Facebook hùng mạnh cũng có những giới hạn.
Gã khổng lồ đã lộ điểm yếu
Việc cổ phiếu Facebook giảm sốc cho thấy các nhà đầu tư đang hoài nghi vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của Facebook, đó là quảng cáo dựa vào kho dữ liệu người dùng khổng lồ.
Nhiều nhà phân tích nhận định Facebook vẫn đang tăng trưởng, vẫn đang có doanh thu ấn tượng, nhưng doanh thu đó phần lớn đến từ những loại hình quảng cáo thuần túy trên News Feed (bảng tin chính của Facebook - PV). Chính Giám đốc tài chính của Facebook đã thông tin quảng cáo trên Stories đang không kiếm về cho hãng nhiều tiền bằng News Feed.
Những tính năng mới như Stories lại đang không cho thấy triển vọng kiếm tiền như Mark Zuckerberg từng hứa hẹn trước đó.
Giới lãnh đạo Facebook cho rằng các doanh nghiệp cần thời gian để làm quen với các loại hình quảng cáo mới, và mức chi cho các loại hình này sẽ tăng trong tương lai.
"Trong ngắn hạn, các động lực tăng trưởng mới của Facebook (Instagram, Watch, Stories, Messenger/WhatsApp, VR) sẽ không đủ lớn để xoay chiều tăng trưởng đang giảm tốc và áp lực về lợi nhuận của mạng xã hội này”, các nhà phân tích của UBS cho biết.
Không còn miễn nhiễm với khủng hoảng
The New York Times nhận định sau 2 năm tưởng chừng bất khả xâm phạm, dù đối mặt một loạt bê bối liên quan đến thông tin dữ liệu, Facebook cuối cùng đã phải chịu tổn thất kinh tế, thể hiện qua báo cáo mới nhất.
Đã có nhiều lùm xùm xoay quanh hoạt động Facebook, tuy nhiên hãng chưa từng chịu thiệt hại nặng nề mặt tài chính. Cú sốc hôm thứ năm chính là lần đầu tiên Mark Zuckerberg cảm nhận hậu quả rõ rệt.
Facebook từng miễn nhiễm với hàng loạt bê bối, tuy nhiên có vẻ mọi chuyện đang thay đổi. Ảnh: Getty. |
Từ thời điểm lên sàn vào năm 2012, cổ phiếu của Facebook đã nhiều lần mất giá mạnh, tuy nhiên chưa thể bằng được cú bốc hơi 120 tỷ USD vừa qua. Hơn nữa, sau những lần giảm giá, cổ phiếu Facebook lại nhanh chóng phục hồi và tiếp tục tăng trưởng.
Ngay cả bê bối lộ thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng cho Cambridge Analytica từng khiến Mark Zuckerberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ và liên minh châu Âu, cũng chỉ khiến cổ phiếu của hãng giảm 6,8% và vốn hóa bốc hơi gần 37 tỷ USD, rồi phục hồi nhanh chóng sau một tháng.
Tuy nhiên mọi chuyện đã không còn như trước. Sự kiện vừa qua cho thấy Facebook không phải là bất khả xâm phạm, và những tác động từ giới làm luật cũng như từ chính người dùng Facebook đã bắt đầu cho thấy hiệu quả.
Việc mất 3 triệu người dùng tại châu Âu cũng như chính quyền tại đây ban hành chính sách chặt chẽ hơn trong vấn đề bảo vệ tính riêng tư của người dùng, đã khiến Facebook chao đảo.
Khi Facebook công bố tăng trưởng doanh thu quảng cáo ở châu Âu đang giảm tốc nhanh hơn các khu vực khác, do nhiều luật mới về quyền riêng tư được ban hành, nhiều nhà đầu tư đã sốc. Họ từng tin rằng những luật lệ mới có hiệu lực vào tháng 5 vừa rồi sẽ không có nhiều tác động, nếu không nói là chẳng mảy may ảnh hưởng tới Facebook.
Cũng phải nhắc tới khoản đầu tư mạnh tay cho vấn đề an ninh và riêng tư được Facebook công bố, chính là nhằm xoa dịu dư luận sau khủng hoảng Cambridge Analytica. Khoản đầu tư này trước mắt sẽ là nguyên nhân gây tăng chi phí, giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Facebook trong vài quý tới.