Facebook, Google tìm mọi cách 'sa thải' nhân viên
Meta, công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch tiết giảm chi phí khoảng 10% trong những tháng tới. Một phần trong nỗ lực giảm chi phí này là cắt giảm nhân sự khi gã khổng lồ truyền thông xã hội đối mặt với sự tăng trưởng bị đình trệ cũng như vấp phải sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ, theo nguồn tin từ Wall Street Journal.
Công ty mẹ Facebook bắt đầu âm thầm sa thải một số lượng lớn nhân viên bằng cách tổ chức lại các phòng ban và cho một số nhân viên bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải này có thể nộp đơn ứng tuyển vào những vị trí khác trong công ty.
Theo những người được thông báo về kế hoạch của công ty, việc cắt giảm dự kiến sẽ là bước mở đầu cho những đợt cắt giảm lớn hơn. Mọi người tin rằng chỉ có một phần nhỏ trong kế hoạch cắt giảm ngân sách đến từ việc cắt giảm chi phí đầu tư và ngân sách tư vấn, trong khi phần lớn sẽ đến từ việc sa thải nhân sự.
Động thái này được đưa ra sau nhiều tuần các Giám đốc điều hành Meta công khai thảo luận về nhu cầu tuyển dụng bị đóng băng và "ưu tiên tàn nhẫn" đối với hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời tránh sử dụng từ “sa thải”.
Để trả lời các câu hỏi, phát ngôn viên của Meta, Tracy Clayton, đã đề cập đến tuyên bố vào tháng 7 của CEO Mark Zuckerberg rằng công ty cần phân bổ lại các nguồn lực cho những hoạt động được ưu tiên khi áp lực ngày một tăng lên đối với doanh nghiệp.
Phát ngôn viên của Meta cũng từ chối chia sẻ về số lượng nhân viên công ty bị ảnh hưởn trong những đợt cắt giảm nhân sự gần đây. Các nhân viên của Meta cũng có thời gian 30 ngày để tìm công việc mới trong công ty. Với chiến lược này, Meta hy vọng có thể cắt giảm được số lượng nhân viên, trong khi không phải chính thức đuổi việc quá nhiều người.
Meta từ lâu đã có thông lệ rằng những nhân viên bị loại bỏ vai trò sẽ bị chấm dứt hợp đồng nếu họ không thể tìm được công việc mới trong công ty trong vòng một tháng. Nhiều công ty khác cũng đang nỗ lực với những động thái tương tự công ty mẹ Facebook.
Trước đây, tại Meta, thường chỉ có những nhân viên bị coi là không phù hợp mới không thể tìm được vị trí mới. Giờ đây, các những nhân viên và quản lý giỏi cũng bị ảnh hưởng. Dù vậy, theo báo cáo tài chính quý II, công ty mẹ Facebook đang sử dụng 83.553 nhân viên, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Là một phần trong các biện pháp cắt giảm chi phí Alphabet, Google cũng đã yêu cầu một số nhân viên đăng ký công việc mới nếu họ muốn tiếp tục làm việc tại công ty. Tuần trước, Google đã nói với khoảng một nửa trong số hơn 100 nhân viên tại vườn ươm khởi nghiệp của công ty Area 120 rằng họ sẽ cần tìm công việc khác tại công ty trong vòng 90 ngày.
Trào lưu sa thải nhân sự tại Thung lũng Silicon
Google thường cho nhân viên 60 ngày để nộp đơn cho các vị trí khác trong công ty nếu công việc của họ bị cắt giảm, mặc dù nhân viên của Area 120 thường nhận được nhiều thời gian hơn nếu dự án của họ bị hủy bỏ.
Vào tháng 3, hơn 1.400 công nhân của Google đã ký một bản kiến nghị yêu cầu công ty kéo dài khoảng thời gian 60 ngày thông thường lên 180 ngày đối với một nhóm hơn 100 nhân viên trong bộ phận điện toán đám mây, với lý do có “những rào cản chuyển giao mà nhiều người lao động phải đối mặt”.
Một phát ngôn viên của Google cho biết gần 95% nhân viên bày tỏ sự quan tâm đến việc ở lại với công ty đã tìm thấy vai trò mới trong thời gian thông báo. Alphabet có 174.014 nhân viên vào cuối quý II, tăng 20,8% so với năm trước.
Ở Thung lũng Silicon, việc cắt giảm nhân sự là động thái đáng chú ý sau khi các công ty lớn nhất tuyển dụng với tốc độ chóng mặt trong thời kỳ đại dịch. Tháng 5/2021, Tom Allison, người đứng đầu ứng dụng Facebook, đã viết một bản ghi nhớ với tiêu đề "Tại sao việc tuyển dụng ngay lúc này lại khó khăn như vậy?". Ông Allison đã than thở về “sự mất cân bằng cung cầu lớn giữa nhu cầu tuyển dụng và khả năng sẵn có của nhân tài”. Ông viết, với sự thiếu hụt kỹ sư trầm trọng, công ty đang thuê thêm nhiều nhà tuyển dụng, nhưng ngay cả những người đó cũng khó tìm được ứng viên phù hợp.
Với tình hình kinh tế đang hạ nhiệt và thị trường quảng cáo kỹ thuật số đang hỗn loạn, ngôn ngữ của một số Giám đốc điều hành công nghệ nổi tiếng giờ đây đã khác hẳn. “Thực tế, có lẽ có rất nhiều người tại công ty không nên ở đây”, CEO Meta Zuckerberg đã chia sẻ trong một cuộc họp vào tháng 6. Cách diễn đạt thô thiển này đã dẫn đến sự chế giễu và tức giận trên các diễn đàn nội bộ của công ty, theo các bài đăng được The Wall Street Journal đưa tin.
Giá cổ phiếu Meta đã giảm hơn 56,6% kể từ đầu năm 2022 và giá trị vốn hóa thị trường của công ty cũng giảm hơn 685 tỷ USD kể từ mức cao nhất vào tháng 9/2021 tính đến hết ngày 20/9.
Snap Inc. là một trong những trường hợp ngoại lệ trong việc thông báo công khai về việc sa thải nhân viên. Tuần trước, công ty cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 20% nhân viên sau khi tăng số lượng nhân viên lên khoảng 65% kể từ cuối năm 2020.
Giám đốc điều hành Evan Spiegel cho biết trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên: “Chúng tôi phải giảm cơ cấu chi phí của mình để tránh gánh chịu những tổn thất đáng kể đang diễn ra”. Ông cho biết công ty đang lên danh sách những cái tên cần ra đi để giúp họ tìm được công việc mới bên ngoài công ty.
Dave Fisch, CEO trang web tuyển dụng Ladders cho biết cũng có những mặt trái tiềm ẩn khi để các nhân viên cạnh tranh cho một số vị trí có giới hạn trong doanh nghiệp, bao gồm ảnh hưởng đến năng suất và tinh thần.
Ông Fisch nói: “Sẽ có rất nhiều lời bàn tán, có thể có cả nhiều thù hằn và các vấn đề khác nảy sinh khi để một nhân viên cũ nộp đơn ứng tuyển vào một bộ phận khác trong công ty”.