F88 báo lỗ sau khi hoàn tất nghĩa vụ trả nợ gần 3.000 tỷ đồng
Ngày 1/4, CTCP Kinh doanh F88 công bố kết quả kinh doanh năm 2023, ghi nhận lợi nhuận hoạt động trước dự phòng tăng tăng hơn hai lần so với năm 2022. Tuy nhiên, tính cả năm, mức lỗ sau thuế của F88 được ghi nhận là 528,8 tỷ đồng. Nguyên nhân được giải thích chủ yếu đến từ chính sách trích lập dự phòng của công ty.
Bắt đầu từ quý IV/2023, lợi nhuận của F88 đã có sự phục hồi. Theo F88, đà phục hồi xuất phát từ việc nâng cấp chiến lược quản lý rủi ro giúp giảm 26% chi phí rủi ro trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm, cải thiện tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 12%, cải thiện tỷ lệ nợ xấu (NPL) trong nửa cuối năm mà cụ thể là tăng giá trị thu hồi nợ (recovery) trong nửa cuối năm gấp 4 lần so với nửa đầu năm.
Năm qua, F88 vẫn là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cho vay cầm cố lớn nhất tại Việt Nam với 814 phòng giao dịch, doanh thu tăng 12% so với năm 2022 lên gần 2.340 tỷ đồng. Quy mô khách hàng tăng 43%, dư nợ cho vay 6 tháng cuối năm tăng 41% so với đầu năm.
Theo F88, do công ty chủ động áp dụng chiến lược tập trung vào các khoản vay chất lượng nên tổng danh mục cho vay năm 2023 giảm 10% so với cuối năm 2022.
F88 duy trì mô hình cho vay có tài sản đảm bảo với chính sách write-off nghiêm ngặt đối với 100% các khoản nợ quá hạn vượt quá 90 ngày.
“Mặc dù chính sách write-off của F88 khá khắt khe, nhưng do chất lượng tài sản cầm cố tốt nên vẫn đảm bảo khả năng thu hồi sau write-off. Các tác động tích cực được ghi nhận qua việc giảm 22.4% chi phí write-off và giá trị nợ thu hồi cải thiện 460% trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm”, phía doanh nghiệp thông tin.
Tổng giá trị nợ thu hồi sau write-off thành công năm 2023 gấp 2,4 lần so với năm 2022.
Năm 2023, F88 tiếp tục triển khai chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn như huy động 50 triệu USD vốn chủ sở hữu từ quỹ đầu tư Vietnam Oman Investment và Mekong Capital, vay bổ sung 50 triệu USD từ Lending Ark hay phát hành hơn 250 tỷ VNĐ trái phiếu riêng lẻ trong quý III/2023,
Công ty cho biết đã chi trả đúng hạn 100% các nghĩa vụ nợ trong nước, trong đó có gần 1.471 tỷ đồng trái phiếu và 49 triệu USD cho các khoản vay nước ngoài. Việc này giúp hệ số đòn bẩy tài chính D/E (tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu) của F88 ở mức 1,8 lần tại thời điểm 31/12/2023, thấp hơn nhiều so với mức trung vị ngành tài chính tiêu dùng mà FiinRatings thống kê ở mức 4,58 lần.
Năm nay, F88 đặt mục tiêu mở rộng danh mục cho vay và đưa tổng doanh thu tăng trưởng ở mức hai con số. Các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 sẽ đi kèm với việc tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng danh mục cho vay.
Tối ưu năng suất mạng lưới phòng giao dịch song song với việc mở thêm tối thiểu 80 phòng giao dịch tại các khu vực ở mức phân loại tốt A và B+. Ra mắt các dòng sản phẩm mới nhằm tăng doanh thu, mở rộng thị trường, triển khai phương thức kinh doanh bảo hiểm mới.
Đồng thời, F88 muốn mở rộng cơ sở khách hàng thêm 30%, tăng cường các hoạt động quản trị rủi ro giúp giảm nợ xấu và triển khai chính sách sản phẩm cho vay dựa trên rủi ro. Tối ưu chi phí với mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ Chi phí trên Thu nhập (CIR) thêm 4% so với năm 2023.