EU sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng Nga
Một tài liệu dự thảo cho thấy Liên minh châu Âu (EU) sẽ sửa đổi các lệnh trừng phạt đối với Nga vào ngày 20/7, trong đó cho phép “mở cửa” một số quỹ của các ngân hàng hàng đầu của Nga nhằm giảm bớt tình trạng ách tắc trong mua bán lương thực và phân bón toàn cầu.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Phi chỉ trích tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt đối với thương mại, mà có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt chủ yếu do tình trạng phong tỏa các cảng ở Biển Đen và căng thẳng Nga-Ukraine gây ra.
Tài liệu cho biết theo quy định đã thay đổi, dự kiến sẽ được các đặc phái viên EU thông qua vào ngày 20/7, các quốc gia EU sẽ có thể “giải phóng” các nguồn lực kinh tế bị phong tỏa trước đây thuộc sở hữu của các ngân hàng hàng đầu của Nga là VTB, Sovcombank, Novikombank, Otkritie FC Bank, VEB, Promsvyazbank và Bank Rossiya.
Ngoài ra, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức EU cho hay theo các lệnh trừng phạt mới sẽ được thông qua vào ngày 20/7, Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, cũng sẽ trở thành đối tượng bị đóng băng tài sản, trừ các nguồn lực cần thiết cho buôn bán lương thực.
Tài liệu dự thảo trên cho biết nhiều khoản tiền có thể được “giải phóng” sau khi xác định các quỹ hoặc nguồn lực kinh tế đó là cần thiết cho việc mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, bao gồm lúa mỳ và phân bón.
Một quan chức cho biết EU cũng có kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm từ các cảng của Nga, nơi các nhà giao dịch đã ngừng phục vụ sau các lệnh trừng phạt của EU, bất chấp các biện pháp miễn trừ xuất khẩu thực phẩm cụ thể.
Cho đến nay EU vẫn phủ nhận các lệnh trừng phạt của họ đã ảnh hưởng đến thương mại lương thực.
EU, cùng với Mỹ, Anh và các nước khác, đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.