|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Em gái Chủ tịch Thép Pomina (POM) muốn bán 5,5 triệu cổ phiếu

07:41 | 30/06/2023
Chia sẻ
Thêm một thành viên trong gia đình Chủ tịch Thép Pomina muốn thoái bớt vốn khi đăng ký bán 5,5 triệu cổ phiếu POM, ước tính khoản tiền thu về 36,6 tỷ đồng.

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em của ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina (mã: POM), đăng ký bán 5,5 triệu cổ phiếu POM để phục vụ mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian 4/7 – 28/7, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn.

Nếu giao dịch thành công, bà Kim Ngọc sẽ không còn là cổ đông lớn của Thép Pomina khi số lượng cổ phiếu POM mà bà nắm giữ giảm từ 15,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,51%) xuống còn 9,9 triệu đơn vị (tỷ lệ 3,54%). Tạm tính theo giá kết phiên 29/6, ước tính bà Kim Ngọc sẽ thu về khoản tiền 36,6 tỷ đồng sau khi thoái bớt vốn.

Trước đó, với cùng mục đích để đầu tư, hai thành viên khác trong gia đình Chủ tịch Pomina cũng đồng loạt đăng ký bán ra hàng triệu cổ phiếu POM.

Cụ thể, bà Đỗ Nhung (em ông Đỗ Duy Thái) đăng ký bán 5,3 triệu cổ phiếu POM trong thời gian dự kiến 3/7 – 28/7. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu POM mà bà Đỗ Nhung nắm giữ sẽ giảm từ 7,28 triệu đơn vị (tỷ lệ 2,6%) xuống còn 1,98 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,71%).

Tương tự, bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương (chị ông Đỗ Duy Thái) muốn thoái sạch vốn tại Thép Pomina khi đăng ký bán toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu POM đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ 0,65%. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian 30/6 - 28/7.

Động thái bán ra hàng triệu cổ phiếu của gia đình Chủ tịch POM diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu POM vừa có nhịp tăng mạnh sau khoảng nửa năm đi ngang trong kênh giá hướng xuống. Kết phiên 29/6, giá mã cổ phiếu này dừng tại 6.600 đồng/cp, tăng gần gấp đôi so với đáy giữa tháng 11/2022. 

Diễn biến giá cổ phiếu POM theo ngày từ tháng 11/2022. (Nguồn: VNDirect).

Diệu Nhi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.