|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Pomina lại hợp tác chiến lược với Nansei, ký MOU với một nhà đầu tư lớn

17:43 | 08/08/2024
Chia sẻ
Công ty đã ký hợp tác chiến lược mới với đối tác Thép Nansei để nhận nguyên nhiên liệu cho Pomina 2 vận hành tối đa công suất từ tháng 9, đồng thời ký MOU với một nhà đầu tư lớn để khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025.

Công ty cổ phần Thép Pomina (Mã: POM) vừa thông báo có những bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển và tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp. 

Phía công ty nói đã chính thức ký hợp đồng hợp tác chiến lược với công ty Thép Nansei - một tập đoàn thép lớn và uy tín của Nhật Bản vào cuối tháng 7 vừa qua.

Hoạt động hợp tác sẽ bao gồm việc nhà đầu tư chiến lược cam kết cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho nhà máy Pomina 2 vận hành công suất tối đa bắt đầu từ tháng 9/2024, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Đây là mô hình hợp tác từ nguồn nguyên liệu đến thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả sản xuất. Sự hợp tác chiến lược theo doanh nghiệp là đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển của cả hai công ty. 

Nansei sẽ cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho nhà máy Pomina 2 vận hành công suất tối đa bắt đầu từ tháng 9. Ảnh: POM. 

Song song với việc ký Hợp đồng hợp tác chiến lược với Nansei, Pomina còn đã ký MOU (biên bản ghi nhớ) với một nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp với mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025, nhằm đón đầu nhu cầu đầu tư công và các dự án bất động sản dự kiếnphục hồi mạnh mẽ. 

Công ty chưa tiết lộ danh tính của nhà đầu tư ký MOU. Tuy nhiên trong cuộc họp cổ đông hồi đầu tháng 3, lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ vẫn đang đàm phán với nhà đầu tư để có thể khởi động lại lò cao, lấy lại vị thế dẫn đầu thị trường phía Nam.

"Nhà đầu tư mới có hệ sinh thái rất gần với ngành thép của chúng ta, đó là một lý do để cân nhắc chọn lựa hệ sinh thái rất lớn này", Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái chia sẻ.     

Người đứng đầu doanh nghiệp cho biết số tiền đối tác bỏ ra sẽ rất lớn nên đòi hỏi việc minh bạch trong vấn đề chuyển nhượng tài sản. Nhà đầu tư mới cũng từng đầu tư vào nhiều khoản tái cấu trúc khác nên có kinh nghiệm trong định giá tài sản.

Theo kế hoạch tái cấu trúc, các bên sẽ tham gia thành lập một pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ 2.700-2.800 tỷ đồng. Công ty mới còn dự kiến huy động 4.000 tỷ đồng từ vay ngân hàng để bổ sung vào nguồn vốn.   

Pomina chỉ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của các nhà máy (Pomina 1 và Pomina 3), nhằm đổi lấy 35% vốn điều lệ. Nhà đầu tư bên ngoài sẽ góp bằng tiền mặt để nắm giữ 65% cổ phần còn lại, qua đó trở thành bên chi phối của pháp nhân mới.  

Lãnh đạo công ty còn quyết định sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư về việc sáp nhập đơn vị còn lại là Công ty cổ phần Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ để tận dụng ưu thế lò cao và giảm chi phí sản xuất.   

Theo kết quả định giá tài sản của công ty kiểm toán AFC và Savills, giá trị tài sản của 2 nhà máy đem góp vốn là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, giá trị của nhà máy Pomina 1 là 336 tỷ và tổ hợp Pomina 3 là gần 6.358 tỷ đồng.  

Chỉ tiêu kinh doanh của Pomina tụt dốc khi nhà máy dừng hoạt động. Nguồn: HL tổng hợp.  

Hoạt động kinh doanh của Pomina đang gặp thách thức khi nhà máy Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động trong khi phải gánh nhiều chi phí (đáng kể nhất là chi phí lãi vay), qua đó khiến kết quả kinh doanh vẫn chìm trong khủng hoảng.  

Năm 2023, công ty thép ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và lỗ ròng thêm 960 tỷ đồng (so với cùng kỳ lỗ 1.167 tỷ đồng). Tổng lỗ luỹ kế của doanh nghiệp đã vượt qua 1.270 tỷ đồng. 

Tại thời điểm cuối năm ngoái, tổng nợ ngắn hạn là 7.964 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn ghi nhận 3.099 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn cho thấy sự mất cân đối về nguồn vốn, khi lượng lớn vốn ngắn hạn đang được tài trợ cho các tài sản dài hạn.  

Cổ phiếu POM cũng đã bị hủy niêm yết trên sàn HOSE để chuyển xuống giao dịch tại UPCoM từ tháng 5 đến nay. Mã chứng khoán này chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, hiện có thị giá 2.400 đồng/cp, tương đương vốn hóa dưới 670 tỷ đồng. 

Thực tế, trong kỳ họp thường niên 2023, cổ đông Pomina đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nansei (Nhật Bản), nhằm có thể huy động vốn gần 702 tỷ đồng để khởi động lại lò cao. 

Đến tháng 9/2023, công ty lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để lùi thời gian bắt đầu đợt chào bán riêng lẻ vào quý III/2023, do thời gian chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành vượt ngoài dự kiến.

Đến đầu năm 2024, Pomina có thay đổi quan trọng khi thông qua nghị quyết tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán riêng lẻ cho Nansei, đồng thời tiết lộ về kế hoạch tái cấu trúc với nhà đầu tư mới. 

Trong cuộc họp hồi tháng 3/2023, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ muốn hợp tác với đối tác Nhật nhưng vướng vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài nên thủ tục kéo dài và kết thúc, dù đối tác này rất muốn tham gia.  

Huy Lê

Bức tranh kinh tế Hà Nội 8 tháng đầu năm: IIP tăng 5,4%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hà Nội, nền kinh tế thủ đô đã có những bước tiến đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng 0,1% so với tháng trước và 5,4% cùng kỳ, thu hút FDI vượt 71% so với năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD...