|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Họp ĐHĐCĐ Pomina: Nhà đầu tư mới là một hệ sinh thái lớn, sẽ tiết lộ vào cuối tháng 4

11:26 | 01/03/2024
Chia sẻ
Đại diện doanh nghiệp nói rằng quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra và yếu tố bảo mật nên chưa công bố danh tính, nhưng đây là một hệ sinh thái lớn và có kinh nghiệm đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác.

Sáng ngày 1/3, Công ty cổ phần Thép Pomina (Mã: POM) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường bàn về kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó nổi bật là câu chuyện về góp vốn thành lập pháp nhân mới với nhà đầu tư. 

Đại hội có sự tham gia của các cổ đông đại diện cho gần 75% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.

Đại diện Pomina cho biết việc hợp tác với nhà đầu tư vẫn đang đàm phán và chưa có kết quả cuối cùng. Do yếu tố bảo mật nên công ty cũng chưa thể công bố danh tính nhà đầu tư, thay vào đó việc công bố dự kiến được thực hiện trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên vào cuối tháng 4 tới.

Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái cho rằng vấn đề tài chính là quan trọng trong thương vụ này để có thể khởi động lại lò cao, lấy lại vị thế dẫn đầu thị trường phía Nam.

"Nhà đầu tư mới có hệ sinh thái rất gần với ngành thép của chúng ta, đó là một lý để cân nhắc chọn lựa hệ sinh thái rất lớn này", người đứng đầu doanh nghiệp chia sẻ. 

Việc thương thảo bán tài sản là để công ty có thể hoạt động liên tục. Số tiền đối tác bỏ ra rất lớn nên đòi hỏi việc minh bạch trong vấn đề chuyển nhượng tài sản. Nhà đầu tư mới cũng từng đầu tư vào nhiều khoản tái cấu trúc khác nên có kinh nghiệm trong định giá tài sản, ông Thái nói Pomina đang làm việc với đơn vị thực sự chuyên nghiệp.  

 Phiên họp cổ đông bất thường của Pomina. Ảnh: Huy Lê.

Phiên thảo luận:

Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái trả lời tất cả chất vấn.

Ngành thép đã phục hồi hay chưa? 

Ngành thép đang hồi phục chậm và có thể tăng mạnh vào cuối năm nay. Vì thế, chúng tôi cố gắng tái cấu trúc hoàn tất vào cuối quý III và hoạt động lại lò cao vào quý IV để đón sóng bất động sản phục hồi.

Thị trường bất động sản nhìn chung vẫn còn khó khăn. Hoạt động đầu tư công có tăng trưởng qua từng tháng nhưng không có nhiều tác động đến ngành thép như thị trường bất động sản,

Yếu tố nào để chọn nhà đầu tư mới?

Khi chọn nhà đầu tư mới, chúng tôi cân nhắc ở nhiều khía cạnh để đảm bảo đối tác mang lại giá trị cho công ty. Công ty hiện chưa thể công bố chi tiết nhưng chắc chắn nhà đầu tư phải cùng văn hóa doanh nghiệp, tôi đánh giá nhà đầu tư mới rất chính trực và mang lại giá trị gia tăng. 

Có phải công ty đang bán các nhà máy không? 

Công ty đang có 3 nhà máy, trong đó Pomina 2 hoạt động bình thường nhưng Pomina 1 và 3 lại gặp khó khăn về tài chính. Cái khó nhất là phải có vốn để nhà máy chạy liên lục, do đó bán tài sản cho nhà đầu tư để lành mạnh hóa tài chính. 

Lò cao chạy trở lại mới là việc quan trọng nhất, để có thể đón sóng bất động sản hồi phục. 

Công ty có tiếp tục kế hoạch tăng vốn không?

Theo các nội dung tờ trình tái cấu trúc mới thì công ty không còn thực hiện kế hoạch tăng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trước đó. 

Triển vọng kinh doanh ra sao sau tái cấu trúc?

Về kế hoạch tái cấu trúc, công ty bán tài sản các nhà máy Pomina 1 và 3, trong đó sẽ di chuyển toàn bộ dây chuyền cán về nhà máy Phú Mỹ, điều này sẽ làm giá thành sản xuất giảm đi.

Khi thực hiện dự án Pomina Phú Mỹ ban đầu đã để sẵn 20ha đất làm 2 dây chuyền cán. Tuy nhiên, trong tình hình cạn nguồn vốn và nền kinh tế suy yếu, công ty không có lợi nhuận để tái đầu tư.

Trước đây, công ty phải vận chuyển khí gang từ Phú Mỹ về Pomina 1 dẫn đến gang bị nguội. Trong khi phương án mới sẽ giữ được nhiệt độ cao hơn, do đó có thể giảm giá thành khoản 450.000 đồng/tấn, qua đó tăng cạnh tranh trên thị trường và giúp lợi nhuận các năm tới tăng lên. 

Tiết giảm chi phí khí nóng di chuyển về nhà máy Pomina 1 là 450.000 đồng/tấn là yếu tố thuyết phục được nhà đầu tư mới. Khi hoàn tất công ty sẽ giảm được giá thành và dự kiến chạy hết công suất, đạt khoảng 1 triệu tấn/năm.

Doanh thu tại nhà máy Pomina Phú Mỹ theo đó có thể lên đến 14.000-15.000 tỷ đồng, đây là chưa tính đến nguồn thu từ nhà máy Pomina 2. Kế hoạch kinh doanh cụ thể sẽ thông báo vào kỳ đại hội cổ đông thương niên sắp tới. 

Trong cuộc họp lần này chúng tôi muốn xin quy trình để tiếp tục có điều kiện đàm phá, giảm giá thành là một mục tiêu tái cấu trúc để nhà đầu tư mới có thể bỏ tiền vào giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp.

Số tiền thu hồi các nhà máy đã được trả chưa? 

Công ty kỳ vọng sẽ có dòng tiền về trong quý II để có nguồn lực thanh toán cho ngân hàng và nhà cung cấp. 

Làm sao để tránh hủy niêm yết? 

Vấn đề là quan trọng là khả năng hoạt động liên tục. Trước đây công ty muốn hợp tác với đối tác Nhật nhưng vướng vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài nên thủ tục kéo dài và kết thúc, dù đối tác này rất muốn tham gia.

Do đó, trong đợt tái cấu trúc tiếp theo với nhà đầu tư mới, công ty sẽ chứng minh khả năng hoạt động liên tục thì kiểm toán sẽ thực hiện báo cáo. 

Tại sao lãnh đạo bán cổ phiếu?

Trong quá trình xây dựng lò cao từ năm 2019 nhưng gặp khó trong giai đoạn COVID-19 nên bị kéo dài và chi phí rất lớn. Mặc dù cố gắng giữ tỷ lệ nợ vay ko vượt quá 50% nhưng thực tế đã vượt quá khiến công ty cạn dòng tiền.

Việc bán cổ phiếu của một số thành viên là để giải quyết cho một số nhà cung cấp, chứ không thể nói hết tiền không thể trả cho nhà cung cấp. Đây cũng là cơ hội để nhà cung cấp tham gia vào cuộc tái cấu trúc. Những người hi sinh bán giá thấp là ban lãnh đạo, không phải yếu tố cá nhân mà để trả nợ cho công ty. 

Làm sao để tiếp tục giữ thị phần 

Với ngành thép, giá thành là quan trọng nhất nên mới có việc tái cấu trúc, cốt lõi là thuyết phục nhà đầu tư chuyển dây chuyền từ Pomina 1 về Pomina Phú Mỹ để đảm bảo giá thành thấp nhất thị trường, nhất là tại miền nam. Nếu chúng ta không làm chủ giá thành thì ko thể làm chủ thị phần. 

Công ty có khoản vay ngắn hạn với Thaco, có ý nghĩa gì? 

Đây là khoản vay phát sinh từ đầu năm 2023, cũng lâu rồi và không liên quan đến việc tái cấu trúc đợt này. Công ty phải đi theo trình tự, được ĐHĐCĐ thông qua quy trình và khung giá thì mới tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư, hiện chưa thể công bố nhà đầu tư. 

Bán tài sản để tái cấu trúc

Theo tờ trình mới nhất, các bên sẽ tham gia thành lập một pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ 2.700-2.800 tỷ đồng. Công ty mới còn dự kiến huy động 4.000 tỷ đồng từ vay ngân hàng để bổ sung vào nguồn vốn.  

Đáng chú ý là Pomina chỉ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của các nhà máy (Pomina 1 và Pomina 3), nhằm đổi lấy 35% vốn điều lệ. 

Trong khi nhà đầu tư bên ngoài sẽ góp toàn bộ bằng tiền mặt để nắm giữ 65% cổ phần còn lại, qua đó trở thành bên chi phối của pháp nhân mới. 

Theo thỏa thuận, Pomina Phú Mỹ có quyền sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina; đồng thời các bên cũng chấm dứt đăng ký kinh doanh của hai pháp nhân Pomina 1 và Pomina 3.  

Thậm chí, lãnh đạo công ty còn quyết định sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư về việc sáp nhập đơn vị còn lại là Công ty cổ phần Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ để tận dụng ưu thế lò cao và giảm chi phí sản xuất.  

Theo kết quả định giá tài sản của công ty kiểm toán AFC và Savills, giá trị tài sản của 2 nhà máy đem góp vốn là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, giá trị của nhà máy Pomina 1 là 336 tỷ và tổ hợp Pomina 3 là gần 6.358 tỷ đồng. 

Còn theo tính toán từ Pomina, tổng giá trị 2 nhà máy trên vào khoảng 6.000-6.800 tỷ đồng. Công ty dự tính trích 900-1.000 tỷ đồng để góp 35% vốn vào Pomina Phú Mỹ. Số tiền thu hồi còn lại 5.100-5.800 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán các khoản phải trả cho ngân hàng và nhà cung cấp.

Với việc thành lập pháp nhân mới, nhà đầu tư chiến lược chỉ tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ, qua đó chỉ chịu trách nhiệm đối với pháp nhân mới mà không chịu trách nhiệm và các nghĩa vụ liên quan tới Thép Pomina. 

Cơ cấu cổ đông mới

Cơ cấu cổ đông của Pomina cũng đang có biến động lớn. Mới nhất, bà Nguyễn Thị Tuyết (vợ thành viên HĐQT Đỗ Xuân Chiểu) đăng ký bán toàn bộ hơn 8,16 triệu cổ phiếu POM với tỷ lệ 2,92% từ ngày 23/2 đến ngày 22/3.

Trước đó trong 2 tháng đầu năm, người thân của chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái cũng đã bán ra hàng triệu cổ phiếu POM, các giao dịch bán cổ phiếu của các cá nhân này chủ yếu nhằm cấn trừ nợ với các nhà cung cấp. 

Riêng ông Đỗ Duy Thái và công ty Sản xuất Thương mại Thép Việt không bán ra cổ phiếu và vẫn là nhóm cổ đông lớn nhất nắm quá nửa cổ phần Pomina. 

Lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng

Thép Pomina đang gặp nhiều thách thức trong kinh doanh. Nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí trong đó có chi phí lãi vay, qua đó khiến kết quả kinh doanh vẫn chìm trong khủng hoảng. 

Tính chung năm 2023, công ty thép ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ thêm 960 tỷ đồng (so với cùng kỳ lỗ 1.167 tỷ đồng).

Năm ngoái, cổ đông Thép Pomina thông qua kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ và mục tiêu giảm lỗ còn khoảng 150 tỷ đồng. Như vậy, công ty chỉ thực hiện được 36% mục tiêu doanh thu và kém xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đồng.  

 Kết quả kinh doanh của Pomina lao dốc. Nguồn: HL tổng hợp. 

Với chuỗi lỗ nặng trong 2 năm gần nhất, tổng lỗ luỹ kế của doanh nghiệp đã vượt qua 1.270 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu theo đó giảm sâu về dưới mốc 1.600 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp thép nổi danh một thời này hiện có quy mô tổng tài sản khoảng 10.400 tỷ đồng. Phần lớn trong đó là tài sản dở dang dài hạn với hơn 5.800 tỷ đồng, đây là chi phí xây dựng lò caolò EAF luyện phôi thép của nhà máy Pomina 3.

Tại thời điểm cuối năm ngoái, tổng nợ ngắn hạn là 7.964 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn ghi nhận 3.099 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn cho thấy sự mất cân đối về nguồn vốn, khi lượng lớn vốn ngắn hạn đang được tài trợ cho các tài sản dài hạn. 

POM còn là một trong số ít các cổ phiếu bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) nhắc nhở về khả năng hủy niêm yết. Nguyên nhân công ty chậm nộp BCTC kiểm toán năm trong 2 năm liên tiếp và nếu tiếp tục vi phạm cho báo cáo năm 2023 sẽ rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.

 

Huy Lê

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.