|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Pomina mang 2 nhà máy 6.700 tỷ đồng góp vốn với nhà đầu tư

11:29 | 29/02/2024
Chia sẻ
Công ty dùng các nhà máy Pomina 1 và 3 để góp vốn vào pháp nhân mới Pomina Phú Mỹ với tỷ lệ sở hữu 35% và còn lại thu tiền để trả nợ đối tác, đồng thời lên kế hoạch sáp nhập Pomina 2 vào pháp nhân mới này.

Công ty cổ phần Thép Pomina (Mã: POM) vừa công bố thông tin mới về tờ trình tái cấu trúc doanh nghiệp trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường 2024 vào ngày đầu tháng 3 tới. 

Việc tái cấu trúc theo lãnh đạo công ty là nhằm đồng bộ các khâu luyện và cán thép để tối ưu hóa năng lực sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và nhà máy luyện phôi thép Pomina 3. 

Theo đó, công ty thép dự kiến thành lập một pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ khoảng 2.700-2.800 tỷ đồng. Công ty mới còn dự kiến huy động 4.000 tỷ đồng từ vay ngân hàng để bổ sung vào nguồn vốn. 

Trong đó, Pomina sẽ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của các nhà máy Pomina 1 và Pomina 3, nhằm đổi lấy 35% vốn điều lệ. Nhà đầu tư khác sẽ góp bằng tiền mặt để nắm giữ 65% cổ phần còn lại. 

Theo kế hoạch, Pomina Phú Mỹ có quyền sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina; đồng thời các bên cũng chấm dứt đăng ký kinh doanh của 2 pháp nhân Pomina 1 và Pomina 3. 

Thậm chí, lãnh đạo Pomina còn quyết định sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư về việc sáp nhập đơn vị còn lại là Công ty cổ phần Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ để tận dụng ưu thế lò cao và giảm chi phí sản xuất. 

Theo kết quả định giá tài sản của công ty kiểm toán AFC và Savills, giá trị tài sản của 2 nhà máy đem góp vốn là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, giá trị của nhà máy Pomina 1 là 336 tỷ và tổ hợp Pomina 3 là gần 6.358 tỷ đồng. 

Còn theo tính toán từ Pomina, tổng giá trị 2 nhà máy trên vào khoảng 6.000-6.800 tỷ đồng. Công ty dự tính trích 900-1.000 tỷ đồng để góp 35% vốn vào Pomina Phú Mỹ. Số tiền thu hồi còn lại 5.100-5.800 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán các khoản phải trả cho ngân hàng và nhà cung cấp.

Hồi cuối tháng 1, Hội đồng quản trị Pomina đã thông qua việc tạm dừng kế hoạch phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei Steel – một doanh nghiệp thép đến từ Nhật Bản. 

Cơ cấu cổ đông của Pomina cũng đang có biến động lớn. Mới nhất, bà Nguyễn Thị Tuyết (vợ thành viên HĐQT Đỗ Xuân Chiều) đăng ký bán toàn bộ hơn 8,16 triệu cổ phiếu POM với tỷ lệ 2,92% từ ngày 23/2 đến ngày 22/3.

Trước đó trong 2 tháng đầu năm, người thân của chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái cũng đã bán ra hàng triệu cổ phiếu POM, các giao dịch bán cổ phiếu của các cá nhân này chủ yếu nhằm cấn trừ nợ với các nhà cung cấp. Riêng ông Đỗ Duy Thái và công ty Sản xuất Thương mại Thép Việt không bán ra cổ phiếu và vẫn là nhóm cổ đông lớn nhất nắm quá nửa cổ phần Pomina. 

 

 

 

Huy Lê

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.