|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Elon Musk lo là đúng: Hàng nghìn nhà trẻ ở Trung Quốc phải đổi thành viện dưỡng lão vì trẻ em ngày một ít

14:42 | 01/11/2024
Chia sẻ
Do tỷ lệ sinh sụt giảm và dân số già hoá nhanh chóng, hàng chục nghìn trường mẫu giáo tại Trung Quốc phải thu hẹp hoạt động, đóng cửa hoàn toàn hoặc chuyển hướng sang ngành khác để tồn tại.

Trẻ em cho chim bồ câu ăn ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Nhà trẻ dần biến mất

Tỷ phú Elon Musk tin rằng thế giới cần tăng dân số. Bản thân ông có 11 người con và từng đề nghị tặng tinh trùng cho bạn bè và người quen.

Trong hơn hai năm qua, CEO hãng xe điện Tesla ngày càng lo lắng về đà giảm của tỷ lệ sinh. Ông lo sợ xu hướng này sẽ khiến dân số thế giới lao dốc và nền văn minh nhân loại sẽ bị xoá sổ.

Trên mạng xã hội X, Musk từng khuyến khích người hâm mộ có càng nhiều con càng tốt. Đơn cử như vào tháng 6, ông nhấn mạnh: “Việc sinh con nên được coi là vấn đề khẩn cấp quốc gia”.

Nhiều nền kinh tế phát triển như Đức, Nhật Bản và Italy vẫn đang phải vật lộn để tăng dân số và giải quyết hậu quả kinh tế khi đất nước ngày càng vắng bóng trẻ em.

Một nền kinh tế lớn khác cũng đang trải qua những khó khăn tương tự, đó là Trung Quốc. Có thể thấy nỗi lo của người đàn ông giàu nhất hành tinh không phải là không có cơ sở.

Do tỷ lệ sinh sụt giảm và dân số già hoá nhanh chóng, hàng chục nghìn trường mẫu giáo tại Trung Quốc đã phải thu hẹp hoạt động, đóng cửa hoàn toàn hoặc chuyển hướng sang ngành khác để tồn tại.

Chẳng hạn, một trường mẫu giáo ở tỉnh Chiết Giang vẫn còn hoạt động nhưng giờ đây họ phục vụ người cao tuổi.

Năm ngoái, bà chủ Zhuang Yanfang (56 tuổi) đã chuyển đổi mục đích sử dụng ngôi trường tại thành phố Kim Hoa thành một trung tâm chăm sóc người già. Bà nảy ra ý tưởng này sau thời gian chật vật kiếm đủ trẻ để lấp đầy các lớp học.

Hầu như chẳng còn dấu vết nào của một trường mẫu giáo trong những bức ảnh chụp toà nhà mới được cải tạo. Những bức tường đầy màu sắc trước đây được sơn lại thành màu trắng sữa và bảng phấn được thay thế bằng một bảng thông báo ghi đầy đủ thông tin về chăm sóc sức khoẻ và các bữa ăn dinh dưỡng cho người cao tuổi.

Tỷ lệ sinh tại đất nước tỷ dân đã giảm mạnh kể từ khi chính phủ thực hiện “chính sách một con” khắc nghiệt vào năm 1980. Dù Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách vào năm 2016, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục đi xuống.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, số trẻ em theo học bậc mầm non đã giảm gần 15% xuống còn chưa đầy 41 triệu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các trường mầm non - bao gồm cả công lập lẫn dân lập - phải đóng cửa.

Theo phân tích của CNBC dựa trên dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, tổng cộng 20.000 trường mẫu giáo trên toàn quốc đã đóng cửa trong cùng khoảng thời gian nói trên.

Ngược lại, trong khi các trường mầm non gặp khó khăn, ngành chăm sóc người cao tuổi lại phát triển khá mạnh do dân số già hoá. Số lượng các cơ sở chăm sóc người già đã tăng gấp đôi từ năm 2019 lên hơn 410.000 vào tháng 10 năm nay.

Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường các biện pháp chính sách để củng cố “nền kinh tế bạc” nhằm giải quyết tình trạng dân số già hoá. Trong các hướng dẫn, chính phủ kêu gọi đẩy nhanh tốc độ phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và kích thích tiêu dùng đối với nhóm nhân khẩu này.

“Tình trạng già hoá của Trung Quốc sẽ ngày càng xấu đi”, nhà kinh tế Harry Murphy Cruise của Moody’s Analytics đánh giá.

Ông dự đoán đến năm 2040, khoảng 30% dân số sẽ trên 65 tuổi, tăng gấp đôi so với mức 15% hiện nay. Trong khi đó, tỷ lệ người dưới 15 tuổi sẽ giảm từ mức 17% hiện tại xuống còn hơn 10%.

“Xu hướng già hoá sẽ làm tăng quy mô thị trường tiềm năng dành cho hàng hoá và dịch vụ phục vụ nhóm người cao tuổi”, vị chuyên gia nói thêm.

 

Điểm sáng trong nền kinh tế: người cao tuổi

Dân số già là cơ hội lớn tiếp theo của các doanh nghiệp, nhà kinh tế Tianchen Xu của Economist Intelligence Unit nhấn mạnh. Ông Xu cho biết những người cao tuổi thường ổn định hơn về mặt tài chính và nắm giữ lượng tài sản lớn.

Bà Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của ING tại thị trường Trung Quốc, lưu ý thêm rằng những người sắp về hưu hoặc đã nghỉ hưu có “tiền để chi tiêu” và họ đang tìm kiếm “cuộc sống chất lượng cao” sau khi quyết định nghỉ ngơi.

Một số công ty sữa Trung Quốc từng sản xuất các sản phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Giờ đây, họ đã bắt đầu phát triển sản phẩm mới dành riêng cho người trung niên và người cao tuổi.

Dòng sữa này được quảng cáo với các lợi ích đặc biệt như cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng cường mật độ xương và nâng cao hệ thống miễn dịch.

Gần đây, nhà sản xuất sữa cừu Zhenmu Dairy tại tỉnh Sơn Tây đã quảng bá cho sản phẩm mới bằng cách tổ chức sự kiện tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Tại đó, các quản lý cao cấp của công ty sẽ phát biểu và tặng mẫu dùng miễn phí cho khách hàng.

Ở Thượng Hải, ngày càng nhiều phòng gym tìm cách thu hút những người lớn tuổi với các thiết bị phù hợp với nhu cầu đặc thù của người già. Họ còn lắp đặt các thiết bị theo dõi sức khoẻ theo thời gian thực và cung cấp các buổi vật lý trị liệu để chống lại các bệnh mãn tính.

Nhà kinh tế Xu nhận định Trung Quốc có đủ năng lực để trở thành nhà sản xuất hàng đầu về các mặt hàng dành riêng cho người cao tuổi, ví dụ như robot chăm sóc, thiết bị nhà cửa thông minh và hộp đựng thuốc có hỗ trợ AI.

Nâng tuổi nghỉ hưu

Mặc dù “nền kinh tế bạc” đang phát triển, Bắc Kinh vẫn đang cố gắng để giảm bớt những tác động tiêu cực mà cuộc khủng hoảng nhân khẩu học gây ra cho triển vọng lâu dài của nền kinh tế.

Vào tháng 9, Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch cho phép tăng dần tuổi nghỉ hưu. Động thái này gây tranh cãi và không được lòng những người trẻ tuổi trên mạng xã hội, nhưng các nhà kinh tế cho rằng đây là một bước đi “cần thiết”.

Trung Quốc có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp so với mức trung bình toàn cầu. Ông Xu cho biết thực trạng đó, cùng với xu hướng dân số già hoá nhanh chóng, khiến số lượng “lao động chưa tận dụng hết” ngày càng tăng.

Đến năm 2040, Trung Quốc đặt mục tiêu nâng tuổi nghỉ hưu cho tất cả nam giới từ 60 lên 63 và cho lao động trí óc nữ từ 55 lên 58. Đồng thời, độ tuổi nghỉ hưu của lao động chân tay nữ sẽ tăng từ 50 lên 55.

Ngay cả vậy, tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc vẫn thấp hơn đáng kể so với Mỹ. Ở nền kinh tế số một thế giới, tuổi nghỉ hưu theo luật định đối với tất cả các lao động sinh sau năm 1960 trở đi là 67.

Tương tự, độ tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc cũng thấp hơn Nhật Bản. Ở xứ sở mặt trời mọc, độ tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ là 65.

Ông Cruise của Moody’s Analytics cho biết bằng cách “buộc người lớn tuổi ở lại thị trường lao động lâu hơn”, Trung Quốc hy vọng không chỉ giảm bớt gánh nặng tài khoá khi chi trả lương hưu mà còn giúp chính phủ tăng doanh thu thuế.

 

Khả Nhân